TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN KT-XH
Tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Thẩm tra Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai; thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thanh khoản thị trường chứng khoán có xu hướng cải thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, ước có 05/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, trong đó đáng lưu ý chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Trong báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021, 2022 lần lượt là 4,6%; 4,8%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5%; năm 2023 ước tính tăng 3,8-4,8%; bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn so với bình quân 3 năm 2016-2018 (6,26%).
Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới; thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số…
Tỉ trọng quy mô đào tạo sau đại học giảm trong toàn ngành, nhất là ở các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao. Việc thực hiện tự chủ đại học còn chậm, lúng túng. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cải cách sách giáo khoa còn bất cập. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi; một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội, chưa giải đáp kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đổi mới.
Đồng thời, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu từ các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ... đang trong quá trình cải thiện, còn thấp so với yêu cầu nên chịu áp lực rất lớn từ lạm phát, sự biến động mạnh về giá hàng hóa cơ bản, dầu thô trên thị trường quốc tế và chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh
Cho ý kiến về vấn đề này, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần thực hiện các nội dung có trọng tâm, trọng điểm với mức cao nhất để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023, năm 2024 toàn diện, tạo đà cho giai đoạn 5 năm và giải quyết các vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đối với lĩnh vực đào tạo khoa học cơ bản và đào tạo khoa học kỹ thuật, trong giai đoạn trước mắt Nhà nước vẫn phải tập trung đầu tư. Nếu không tập trung đầu tư lĩnh vực này sẽ có nguy cơ Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao cho giáo dục đại học.
“Chúng ta mong muốn có lực lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, trước đây chúng ta có đề án đào tạo 10.000 tiến sĩ và chúng ta hướng đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn. Qua giám sát đào tạo tiến sĩ trong nước, tôi thấy hiện nay chất lượng đào tạo tiến sĩ ở một mặt bằng chung các trường đang rất cố gắng. Nhưng chất lượng phải cải thiện nhiều, nếu không cải thiện được cũng khó có được nhân lực chất lượng cao. Đối với lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển, cũng nên có sự lựa chọn và đầu tư từ bậc đại học, sau đó có sự ưu tiên đầu tư để có nguồn nhân lực tốt hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm.
Cũng quan tâm đến chỉ tiêu năng suất lao động và đào tạo nhân lực để tạo tiền đề nâng cao chất lượng năng suất lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, mục tiêu đề ra tăng năng suất lao động năm 2021 khoảng 4,8% và đạt được 4,71%; năm 2022 đặt ra chỉ tiêu khoảng 5,5%, kết quả đạt 4,8%. Năm 2023, với mục tiêu khoảng 5% - 6%, mặc dù đã nỗ lực, cố gắng nhưng ước mục tiêu tăng năng suất lao động không đạt được. Do vậy, mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025 là 6% sẽ là thách thức lớn, khó đạt được.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chia sẻ với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về những nguyên nhân khách quan dẫn tới năng suất lao động chưa đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ tiêu tăng năng suất lao động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đều đánh giá, nếu chỉ tăng 1% năng suất lao động, tăng được 0,94 điểm phần trăm của GDP.
Trong báo cáo của Chính phủ đã nhận diện nguyên nhân, giải pháp để tăng năng suất lao động, trong đó có nguyên nhân chung như quy mô của nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, năng suất lao động nội ngành, cơ cấu lao động… Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chất lượng nguồn nhân lực – một trong những yếu tố giúp tăng năng suất lao động.
Vấn đề này cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, đó là nhân lực, nguồn nhân lực là động lực nội sinh, có tính chất cốt lõi đối với nền kinh tế. Vì vậy, trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cũng cần nhấn mạnh đến nội dung này để có các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Khẳng định để nâng cao năng suất lao động không thể có được kết quả trong ngày một, ngày hai, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng. Thời gian qua Chính phủ đã quan tâm đến nguồn nhân lực, nhưng chưa có tính đột phá và chưa có chuyển biến rõ nét, đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này, nhận diện ra các điểm nghẽn và có những biện pháp cụ thể gắn với các chương trình, dự án, nhiệm vụ chi tiết, cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Giải trình vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và tiếp tục phân tích rõ hơn về nguyên nhân và các giải pháp. Bộ trưởng cho biết, có một số chỉ tiêu quan trọng dự kiến không đạt được: tốc độ tăng trưởng, GDP bình quân đầu người, tỷ trọng về công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, năng suất lao động. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năng suất lao động của năm 2023 vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra, trong đó có 3 nguyên nhân chủ yếu là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn, một bộ phận lao động chuyển sang làm ở khu vực dịch vụ phi chính thức, năng suất thấp hơn; một bộ phận lao động chuyển việc mới cần phải có thời gian đào tạo, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, có 5 chỉ tiêu ước khó đạt được trong năm 2023, trong đó có cả chỉ tiêu về số lượng và chất lượng. Đó là chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội và tỷ lệ của công nghiệp chế biến, chế tạo, tốc độ tăng trưởng; GDP bình quân; xuất nhập khẩu cũng không đạt. Do vậy, trong những tháng còn lại của năm 2023 phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu của năm 2023 và hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024 để góp phần thực hiện mục tiêu cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.