TĂNG CƯỜNG NGĂN CHẶN VIỆC SỬ DỤNG THUỐC LÁ MỚI TRONG THANH THIẾU NIÊN
Toàn cảnh Tọa đàm
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Thực tế cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Trong khi đó, hiện nay các sản phẩm thuốc lá mới đang hướng mục tiêu là giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các sản phẩm thuốc lá mới có thể gây suy giảm chức năng phổi do tắc ngẽn; rối loạn chức năng mạch máu, xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ; ảnh hưởng nặng lên hệ tiêu hóa và răng miệng. Đáng chú ý, các sản phẩm này có thể làm tổn thương DNA gây tăng nguy cơ ung thư, tăng kháng hóa trị liệu.
Mặt khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Trước thực tế trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Đinh Thị Thu Thuỷ cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên thực cấm kinh doanh và nhập khẩu các sản phẩm thuốc là mới. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Các đại biểu cho rằng, việc quy định cấm sẽ tác động tích cực về kinh tế-xã hội-giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật: Nhà nước không phải bỏ kinh phí để thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giải quyết tệ nạn xã hội và gánh nặng bệnh tật; người dân được bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, phòng tránh các bệnh tật do thuốc lá gây ra; giảm tải bệnh
Trên thế giới hiện nay có 42 quốc gia cấm kinh doanh và nhập khẩu thuốc lá điện tử; 17 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng; 08 quốc gia đang kiểm soát thuốc lá điện tử như dược phẩm và phải được cấp phép kê đơn thuốc theo pháp đồ điều trị; 47 quốc gia quản lý chặt chẽ thuốc lá điện tử và quản lý như thuốc lá truyền thống, trong đó 28 nước thuộc liên minh Châu Âu… Hiện nay, trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã có 5/11 quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (Lào, Campuchia, Thái Lan..). Các nước này đều áp dụng mức phạt thấp nhất là 9 năm, cao nhất là 19 năm. Trong khi đó, Việt Nam thì chưa có bất kỳ quy định cấm đối với sản phẩm này.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy cho biết, những quốc gia áp dụng biện pháp cấm bán và nhập khẩu phần lớn các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và họ quản lý theo chính sách cấm. Các yếu tố quyết định chính sách ở mỗi nước sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng nước. Các nước cấm bán và nhâp khẩu thường do các biện pháp kiểm tác hại thuốc lá chưa được thực hiện tốt và nguồn lực hạn chế. Trong khi các nước áp dụng biện pháp quản lý như dược phẩm lại có hệ thống các quy trình phê duyệt rất rõ ràng, năng lực của cơ quan quản lý cũng đảm bảo…
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Đinh Thị Thu Thuỷ phát biểu
Tại Singapore, cơ sở mà quốc gia này ban hành lệnh cấm là nhằm mục tiêu là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bởi những tác hại đã biết và tiềm ẩn của các sản phẩm thuốc lá mới. Pháp luật ở Singapore cũng kiểm việc soát quảng cáo và kinh doanh thuốc lá. Theo đó, họ quy định rất rõ việc cấm nhập khẩu, phân phối, bán, sở hữu, mua, sử dụng, quảng cáo khuyến mại và tài trợ các sản phẩm bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, cùng với đó là các chế tài, các quy định xử lý rất rõ ràng.
Trong khi đó ở Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Đinh Thị Thu Thủy cho rằng, thuốc lá mới hiện nay vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng để cấm quản lý hay xử phạt hành vi vi phạm. Chúng ta chưa có quy định cấm kinh doanh đối với thuốc lá mới vì chúng ta chưa có một khái niệm rõ ràng về thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng. “Với sản phẩm này, các cơ quan chức năng đang chủ yếu tập trung xử lý vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy cho hay.
Từ kinh nghiệm quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá mới của các nước trên thế giới, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy cho rằng, nếu chúng ta kiểm soát sản phẩm thuốc lá mới như dược phẩm thì cần phải có dữ liệu lâm sàng chứng minh được hiệu quả sử dụng của thuốc; hay việc quản lý các sản phẩm thuốc là mới như quản lý như thuốc lá truyền thống thì chúng ra cần phải có một lực lượng thanh tra khổng lồ để kiểm soát… Do vậy, biện pháp cấm kinh doanh và nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá mới như một số quốc gia đang là phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, “dù quản lý các sản phẩm thuốc lá mới theo xu hướng, mô hình nào cũng cần đánh giá tác động chính sách một cách đầy đủ”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy nêu rõ.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan sớm đánh giá tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; rà soát các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt, việc quản lý, sử dụng đối với thuốc lá mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá mới; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, kiểm soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý ngăn chặn nhập lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử; có giải pháp tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh, sinh viên, nhất là sử dụng thuốc lá mới...
Đồng thời, có giải pháp tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh, sinh viên, nhất là sử dụng thuốc lá mới; tiếp tục nghiên cứu đưa nội dung phòng, chống thuốc lá vào cơ sở giáo dục hiệu quả hơn./