CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ SẼ CÙNG CHỦ TỊCH DUMA QUỐC GIA QUỐC HỘI LIÊN BANG NGA CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 2 CỦA ỦY BAN HỢP TÁC LIÊN NGHỊ VIỆN GIỮA HAI QUỐC HỘI
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến
Phóng viên: Từ ngày 15-16/10/2023, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vacheslav Viktorovich Volodin sẽ thăm chính thức Việt Nam. Phó Chủ nhiệm có thể chia sẻ bối cảnh diễn ra chuyến thăm lần này?
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến: Chuyến thăm của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vacheslav Viktorovich Volodin tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới vừa vượt qua đại dịch COVID-19.
Việt Nam - Liên bang Nga là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống. Ngày 30/1/1950, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Mối quan hệ giữa Liên Xô (trước đây) - Liên bang Nga (hiện nay) với Việt Nam ngày càng phát triển. Mối quan hệ này đã được nâng cấp lên mức độ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.
Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lên thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga. Được biết, thành phố Saint Petersburg đã tổ chức lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bức tượng thứ năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Nga.
Đây là lần thứ hai Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vacheslav Viktorovich Volodin thăm Việt Nam. Chuyến thăm này diễn ra sau chuyến thăm Liên bang Nga năm 2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (trong khuôn khổ chuyến thăm, tại Thủ đô Moscow, Chủ tịch Quốc hội nước ta và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga đã đồng chủ trì Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban hợp tác liên Nghị viện).
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Volodin sẽ tham dự Phiên họp thứ Hai của Ủy ban hợp tác liên Nghị viện (bị hoãn lại từ năm 2020 do đại dịch COVID-19), với sự đồng chủ trì của Chủ tịch Quốc hội hai nước.
Vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga có rất nhiều ý nghĩa, cùng với Phiên họp thứ Hai của Ủy ban hợp tác liên Nghị viện, chuyến thăm sẽ góp phần củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga nói riêng, củng cố sự tin cậy chính trị và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung; thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Liên bang Nga đối với Việt Nam và là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga trong bối cảnh hai nước triển khai Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đến năm 2030.
Phóng viên: Phó Chủ nhiệm có thể chia sẻ rõ hơn về mối quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Nga thông qua cơ chế hợp tác liên Nghị viện. Dự kiến, hai bên sẽ thảo luận về nội dung như nào tại Phiên họp tới đây?
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến: Điểm đặc biệt trong quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Nga là hình thành cơ chế có tên gọi là Ủy ban hợp tác liên Nghị viện.
Quốc hội Việt Nam có quan hệ, thỏa thuận hợp tác với Quốc hội/Nghị viện nhiều nước thông qua tổ chức Nghị sĩ hữu nghị. Tuy nhiên, cơ chế Ủy ban hợp tác liên Nghị viện là mô hình hợp tác nghị viện cao nhất, đầu tiên giữa Quốc hội nước ta với một Cơ quan lập pháp nước ngoài do Chủ tịch Quốc hội nước ta và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga là đồng Chủ tịch Ủy ban.
Trong Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang, dự kiến hai bên sẽ rà soát lại việc thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước, qua đó thúc đẩy, hỗ trợ để đạt kết quả tốt đẹp; đồng thời, lắng nghe, xem xét các vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung để quan hệ hợp tác giữa hai nước đạt được kết quả cao nhất.
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga và Đoàn, hai bên sẽ bàn bạc, thảo luận về định hướng phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, giữa hai nước; trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Đã có nhiều các nhà quản lý, nhà khoa học... của Việt Nam được đào tạo tại Nga. Nhiều công trình hợp tác về khoa học, kinh tế, kỹ thuật giữa hai nước được thiết lập, nhiều hạ tầng cơ sở được xây dựng tại Việt Nam có sự đóng góp của Liên bang Nga như: Thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro... Chúng ta cũng có một số dự án đầu tư khá lớn tại Nga.
Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có nền tảng và phát triển rất tốt, dư địa còn rất lớn, vấn đề là làm thế nào khai thác dư địa này nhằm phát triển, phát huy lợi thế của mỗi bên để đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm!