ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 18
ĐỔI MỚI TRONG VIỆC BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ HÀNH CHÍNH NĂM 2023
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, có 390.980 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022), với tổng số người được tiếp là 433.832 người (tăng 41,8%) về 294.622 vụ việc (tăng 33,2%), có 2.929 đoàn đông người (tăng 26,6%).
Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật
Việc tiếp công dân của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực, đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, phần lớn Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm và thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Tại các buổi tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu thường gắn liền với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; qua đó nhiều vụ việc đã dược giải quyết dứt điểm. Nhiều địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế đối thoại của người đứng đầu; đầu tư đồng bộ các điều kiện phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn; đa số cán bộ làm công tác tiếp công dân có tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, có trình độ nghiệp vụ phù hợp.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy trình bày báo cáo tại phiên họp
Việc tổ chức và thực hiện tiếp công dân thường xuyên ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đã bố trí người có năng lực, trình độ chuyên môn về pháp luật và có trách nhiệm để thực hiện việc tiếp công dân, quá trình tiếp có thái độ đứng mực, tôn trọng, lắng nghe, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người dân trình bày; giải thích đầy đủ về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người dân đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; việc tiếp nhận, xử lý đơn của các cơ quan, đơn vị cơ bản theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Nhìn từ báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi năm 2023 số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 37,5%; số lượt người tới các bộ ngành cũng tăng trên 67 % so với năm trước.
Trước tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng vụ đông người, tăng số người, tăng số vụ việc, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ có đánh giá về nguyên nhân, làm rõ lý do số vụ việc, số người khiếu nại, tố cáo lại tăng vọt.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Giải trình về vấn đề này, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho rằng do con số này được so sánh với năm vẫn còn dịch COVID-19, tỷ lệ người dân đến khiếu nại tố cáo thấp nhất cho nên số liệu sẽ có sự chênh lệch, còn nếu so sánh với giai đoạn trước COVID-19 thì những con số là không đáng lo ngại.
Đánh giá làm rõ nguyên nhân của tình trạng ủy quyền tiếp công dân
Qua xem xét số liệu trong Báo cáo cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân 05 năm giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định. Các đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Hoàng Anh Công
Chia sẻ với đặc điểm khách quan trong công việc của các Bộ trưởng, trưởng ngành dẫn đến công tác tiếp công dân bị hạn chế, tuy nhiên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Hoàng Anh Công cho biết báo cáo hiện mới chỉ đưa ra số liệu tổng, do đó cần có phụ lục chỉ rõ số liệu tiếp công dân các cấp để bảo đảm tính minh bạch trong công tác tiếp công dân, tuân thủ quy định pháp luật, để đại biểu Quốc hội và công dân được biết để có đánh giá luật đi vào cuộc sống thế nào, phản ánh trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám đề nghị trong báo cáo Chính phủ cần nói rõ thêm tình hình và nguyên nhân của việc ủy quyền tiếp công dân. Đại biểu đặt vấn đề có hay không hiện tượng né tránh hay do tình hình công tác bận rộn của người đứng đầu các cơ quan. Đại biểu nhấn mạnh, công tác tiếp công dân cũng chính là một trong những hoạt động lãnh đạo và quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Do đó, cần có đánh giá phân tích để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để đáp ứng mong mỏi của người dân.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám
Đại biểu Phạm Văn Hòa ghi nhận công tác tiếp công dân tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, theo đó, không chỉ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà cả cấp huyện, cấp xã cũng có nhiều tiến bộ. Đại biểu cho rằng có được kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo xuyên suốt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân. Cho rằng việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân đã được rút kinh nghiệm là tín hiểu đáng mừng, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ mong muốn trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục duy trì, có như vậy mới bảo đảm công tác tiếp công dân đúng theo quy định của pháp luật đạt hiệu quả và yêu cầu cao.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu rõ bên cạnh những nơi thực hiện tốt thì cũng có bộ, ngành lại tiếp công dân chưa tốt. Trong khi tại các địa phương đã phần nào khắc phục được hạn chế của việc ủy quyền tiếp công dân thì tại các cơ quan ở trung ương lại chưa thực hiện được. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quan tâm hơn về vấn đề này./.