Góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhìn chung, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023.
Làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm
Về chính sách tài khóa, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,1% kế hoạch, trong đó chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (Nghị quyết số 101/2023/QH15); chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra và hiện nay vẫn đang tiếp tục có nhu cầu lớn nhưng không có nguồn lực để bố trí.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp
Bên cạnh đó, việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Chính phủ đã chỉ ra các nguyên nhân, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân khách quan. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đề nghị bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ
Về chính sách tiền tệ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ chưa đánh giá tổng thể, toàn diện, cụ thể tình hình thực hiện chính sách tiền tệ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 43. Về nhiệm vụ điều hành tăng trưởng tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế hiện nay khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, dư nợ tín dụng đến 21/9 chỉ tăng 5,91% (cùng kỳ tăng 10,83%), cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 43, phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo số liệu giải ngân gói hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; gói hỗ trợ đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế; gói hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm; bổ sung đánh giá kết quả huy động nguồn lực thực hiện các chính sách (Điều 4); đánh giá sơ kết, hiệu quả và tác động của thực hiện các cơ chế đặc thù quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43 thời gian qua, đồng thời bổ sung các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn từ nay tới hết năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cụ thể.
4 nội dung Chính phủ kiến nghị UBTVQH
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp
Liên quan đến các nội dung Chính phủ kiến nghị UBTVQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề cập đến 4 nội dung cơ bản.
Về việc điều chỉnh nguồn lực thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đề nghị Chính phủ thực hiện việc điều chỉnh linh hoạt theo quy định tại Khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đồng thời, cần lưu ý thời hạn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Việc thực hiện điều chỉnh cần bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế giải ngân nhiệm vụ và hiệu quả chính sách của Chương trình.
Về việc cho phép cắt giảm kế hoạch vốn của Chương trình và không triển khai một số dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc cắt giảm kế hoạch vốn và không triển khai một số dự án của Chương trình khi không còn khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2023 là cần thiết, bảo đảm thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, do vậy, cơ bản nhất trí với kiến nghị của Chính phủ và việc Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nội dung này là đúng thẩm quyền.
Đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách nêu trên theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình thì hủy dự toán, kế hoạch vốn theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Nghị quyết số 93/2023/QH15 (Khoản 5 Điều 4), Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Khoản 6 Điều 6 đã quy định về một số nội dung liên quan tới vấn đề này. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện theo quy định tại các Nghị quyết nêu trên của Quốc hội. Có ý kiến đề nghị thực hiện đúng quy định của Nghị quyết số 43, chỉ cho giải ngân đến hết năm 2023, sau năm 2023 đề nghị cắt giảm vốn, kết thúc chương trình, đối với các dự án cần triển khai thì bố trí nguồn vốn khác./.