Thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 và Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, đến nay Đoàn giám sát đã hoàn thành nội dung, kế hoạch giám sát theo Nghị quyết Quốc hội và chương trình đề ra, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các văn bản hướng dẫn liên quan.
CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, nhiều chính sách và đầu mối quản lý, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới trong hoạt động giám sát chuyên đề.
Việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các CTMTQG đang trong quá trình triển khai thực hiện và được khởi động sớm (ngay từ cuối năm 2022) đã góp phần làm chuyển biến cả nhận thức, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình.
Đề cập về kết quả thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (Giai đoạn I thực hiện từ năm 2021-2025) được Quốc hội thông qua Chủ tương tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020. Chương trình gồm 10 dự án được thực hiện trên địa bàn 51 tỉnh. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Chương trình đã thu được một số kết quả tích cực.
Đáng lưu ý, Chương trình đã tích hợp hơn 118 văn bản chính sách dân tộc, bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, nhiều chính sách và đầu mối quản lý để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Về mô hình quản lý, chỉ đạo, Đoàn giám sát cho biết, đến tháng 6/2023 đã có 49/49 địa phương kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện, 28/49 địa phương thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình ở cấp tỉnh. Tuy nhiên mới có 05 địa phương thành lập Văn phòng điều phối để giúp việc cho Ban chỉ đạo tỉnh.
Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, chính sách đã cơ bản hoàn thành. Tính đến 6/2023, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 58 văn bản; ở địa phương, trung bình mỗi địa phương ban hành từ 40-50 văn bản liên quan đến Chương trình.
Về công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn, giải ngân, Đoàn giám sát nêu rõ, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã thực hiện phân bổ hết vốn ngân sách Trung ương trung hạn và hàng năm của Chương trình cho các địa phương, đảm bảo theo quy trình, thủ tục. Ở địa phương, việc phân bổ ngân sách theo đúng tiêu chí, định mức trong Nghị định của Chính phủ. Đến nay có 48/50 tỉnh có Nghị quyết của HĐND tỉnh phân bổ và UBND tỉnh quyết định giao vốn. Kết quả giải ngân lũy kế từ năm 2021-2023 khối lượng hoàn thành và thanh toán vốn Trung ương mới đạt 18,9% so với kế hoạch, trong đó vốn đầu tư phát triển 19,5%, vốn sự nghiệp 12,3%.
Liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình, Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện song Chính phủ báo cáo tỷ lệ hộ nghèo DTTS năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt 3% mục tiêu kế hoạch giao; các chỉ số về cơ sở hạ tầng cơ bản đều đạt chỉ tiêu của Chương trình. Chính phủ cam kết đến năm 2025 Chương trình hoàn thành giải ngân 100% vốn, đạt được các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Quốc hội.
Về công tác kiểm tra, giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy, mặc dù đây là lần đầu tiên làm chủ CTMTQG nhưng Ủy ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tham mưu, điều phối, ban hành các văn bản hướng dẫn, thành lập 11 Đoàn công tác liên ngành để nắm tình hình địa phương và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền, trách nhiệm được giao.
Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, Đoàn giám sát nhận thấy, mô hình chỉ đạo, điều hành của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn bất cập, chưa có sự kiện toàn, thống nhất Trung ương và địa phương. Việc ban hành các văn bản quản lý rất chậm. Việc xây dựng, xác định mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình chưa sát với thực tiễn vùng đồng bào DTTS&MN. Thực tế tình hình giải ngân của Chương trình đến nay đạt rất thấp…/.