ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM

09/10/2023

Sáng 09/10, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động”. Đây là Hội thảo đầu tiên trong chuỗi Hội thảo khoa học phục vụ nghiên cứu Đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

HỘI THẢO QUỐC HỘI VIỆT NAM – 80 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ TỔ CHỨC, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học;…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là một hoạt động trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam diễn ra trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu khai mạc

Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết toàn diện những thành tựu lớn, có ý nghĩa lịch sử trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; góp phần tiếp tục đúc rút, phân tích sâu sắc hơn những bài học cốt lõi, xuyên suốt quá trình 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển; đề ra định hướng và những giải pháp cho Quốc hội khóa XVI và các khóa tiếp theo trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,... Việc triển khai nghiên cứu đề tài là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các thành viên Ban chủ nhiệm Đề tài. 

Nhấn mạnh đây là Hội thảo đầu tiên trong chuỗi 05 Hội thảo khoa học phục vụ nghiên cứu Đề tài, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về những đổi mới và phát triển về mặt tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội qua 15 năm nhiệm kỳ; làm rõ những hạn chế, bất cập, bài học kinh nghiệm đặt ra; làm rõ yêu cầu và những giải pháp tiếp tục đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển điều hành nội dung thảo luận

Quốc hội luôn đồng hành cùng Dân tộc, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách được giao phó

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng mà Đảng và Nhân dân giao phó là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tổ chức, bộ máy của Quốc hội được đổi mới, kiện toàn bảo đảm tính chuyên nghiệp hơn qua các nhiệm kỳ; tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, nâng cao vai trò của cơ quan thường trực UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội được tổ chức và hoạt động mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả hơn.

Mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội trong 80 năm qua đều gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc đều vì lợi ích của nhân dân, kết tinh sâu sắc “ý Đảng, lòng Dân”, thể hiện sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, góp phần quan trọng vào việc đạt được các thành tựu có ý nghĩa lịch sử.

PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội

Đổi mới tổ chức Quốc hội

Nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, trên cơ sở phân tích những thành tựu đạt được cũng như  làm rõ một số hạn chế, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý CTQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức Quốc hội đến 2030 cần tập trung hoàn thiện tổ chức bên trong các cơ quan Quốc hội, nâng cao chất lượng của cấu trúc tổ chức từ đại biểu Quốc hội đến các cơ quan Quốc hội. Cụ thể: Nâng cao chất lượng đại biểu quốc hội trên cả hai phương diện cơ cấu đại biểu và năng lực đại biểu. Đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội, gắn kết với đề cao tiêu chuẩn, năng lực đại biểu. Tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu.

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý CTQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII

Đồng thời, đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; tiếp tục giảm số lượng đại biểu Quốc hội từ các cơ quan lập pháp và hành pháp. Tăng hợp lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phấn đấu nhiệm kỳ Quốc hội XVI đạt 60% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Hoàn thiện các qui định và điều kiện đảm bảo, chế độ chính sách để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu, quy định cụ thể thời gian tối thiểu đại biểu dành để hoạt động tại đơn vị bầu cử, để bám sát thực tiễn, gắn bó với cử tri, thực hiện trách nhiệm trước cử tri;…

Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, cần chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội - là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; cần giới thiệu những người thực sự có đức, có tài, có bản lĩnh tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Tiếp tục tăng thêm số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV Đặng Đình Luyến

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, sắp xếp hợp lý số lượng thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đảm bảo điều kiện để các cơ quan Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn; Nghiên cứu tăng số lượng các Ủy ban, tương thích với số lượng các Bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức Chính phủ để tiến tới mỗi Uỷ ban chỉ nên theo dõi một lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của một bộ, cơ quan ngang bộ có cấu trúc đa ngành, đa lĩnh vực; Nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu đảm bảo quy trình, trình tự, thủ tục hoạt động của Quốc hội; Bảo đảm các điều kiện làm việc cho Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các vụ chuyên môn giúp việc;…

Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Bên cạnh đó, từ việc phân tích, đánh giá về phương thức hoạt động của Quốc hội theo Hiến pháp từ năm 1946 đến năm 2013, đặc biệt là thành tựu, hạn chế trong tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2015, các đại biểu cũng kiến nghị, cần tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó, cần chú trọng tới hoạt động lập pháp.

Đưa ra giải pháp, các đại biểu đề nghị: Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng ban hành luật, pháp lệnh; Đổi mới một cách căn bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản; Tăng cường huy động sự tham gia của chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động của luật, pháp lệnh, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng dự thảo văn bản.

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị: Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án luật ngay từ những công đoạn đầu, chú trọng việc phân tích, quyết định các chính sách trong dự án luật trước khi tiến hành các bước tiếp theo của quy trình lập pháp; Đổi mới quy trình thẩm tra, tăng cường tính phản biện và đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh; Đổi mới, nâng cao chất lượng việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; Huy động trí tuệ tập thể cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan khác, chuyên gia tham gia vào quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh;…

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tham dự còn phân tích, làm rõ nhiều nội dung về: Thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm về đổi mới và phát triển về phương thức hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội qua các thời kỳ; Vị trí, vai trò, phương thức hoạt động của Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ; Các thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm về sự đổi mới, phát triển của Kỳ họp Quốc hội qua các thời kỳ; Sự phát triển của thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội;  Bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội qua các thời kỳ: thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm; Dấu ấn đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội trong nửa đầu nhiệm khóa XV;...

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học. Khẳng định kết quả của Hội thảo là nguồn thông tin khoa học, dữ liệu quý báu, Trưởng Ban Công tác Đại biểu cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ phục vụ quá trình triển khai và hoàn thiện Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo

Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu khai mạc

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển điều hành nội dung thảo luận

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

PGS. TS Lê Minh Thông, Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII

TS. Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV Đặng Đình Luyến

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

TS. Ngô Đức Mạnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng

Ông Bùi Ngọc Chương, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội

PGS. TS. Đinh Ngọc Vượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết thúc Hội thảo.

Hội thảo “Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động”

Lê Anh - Nghĩa Đức