BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN: TĂNG CƯỜNG CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO ĐỔI MỚI GIÁO DỤC TRONG THỜI GIAN TỚI
ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học, đạt được nhiều kết quả quan trọng, theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo và tăng cường các hoạt động để thúc đẩy đổi mới quản trị nhà trường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên và giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới quản trị nhà trường, căn cứ Đề án “Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Nâng cao năng lực quản trị điều hành và tổ chức chuyển đổi số trong dạy học trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí thực hiện là 150 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ đang triển khai thực hiện các bước theo quy định.
Đồng thời, để nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch nghiên cứu, xây dựng tài liệu, bộ công cụ tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục về kỷ luật tích cực gắn với Quản trị trường học, xây dựng môi trường giáo dục, hướng tới trường học an toàn và hạnh phúc; Kế hoạch khảo sát, biên soạn, in ấn, cấp phát tài liệu và tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông có học sinh bán trú, đáp ứng yêu cầu đối mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình và đã được Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026; bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” với các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Có giải pháp hiệu quả để thu hút các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho giáo dục và đào tạo…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn từ kết quả giám sát, làm việc, trong các diễn đàn, phiên họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục quan tâm hơn tới các điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục, trong đó giáo viên và tài chính là hai từ khóa quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục quan tâm, cho ý kiến trong một số việc lớn của giáo dục và đào tạo đất nước thời gian tới: Tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW và xây dựng Nghị quyết mới tiếp nối cho xứng tầm, định hướng cho giáo dục đất nước phát triển đột phá trong tương lai; xây dựng Luật Nhà giáo, góp phần giải quyết vấn đề nhà giáo từ góc độ cơ sở pháp lý; sửa Luật Giáo dục đại học…
Đối với những vấn đề đang được xã hội quan tâm như lạm thu, dạy thêm…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong bối cảnh đất nước chưa giàu, học sinh đông, ngân sách có hạn, cần huy động nguồn lực của xã hội để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần ngăn chặn lạm thu, thu không công khai, nhưng cần vun đắp trách nhiệm của cộng đồng với nhà trường, phải làm cho quan hệ giữa nhà trường và xã hội, thiện cảm giữa thầy cô và phụ huynh ngày càng khăng khít để cùng chăm lo cho giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội bảo đảm các điều kiện, nguồn lực thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của ngành giáo dục trong năm 2024 và giai đoạn 2024 – 2026; Quốc hội quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, bảo đảm nhu cầu tối thiểu để thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng đổi mới chương trình giáo dục…
Đồng thời, Quốc hội trong kế hoạch giám sát hàng năm, quan tâm giám sát việc phân bổ tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, kể cả chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và có các chuyên đề giám sát chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại các địa phương…/.