DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG VIỆC BỔ SUNG CÁC HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ LƯU TRỮ THUỘC NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

06/10/2023

Một trong những nội dung được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 vừa qua là quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định sửa đổi Phụ lục IV của Luật Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Đồng thời đề nghị cần đánh giá kỹ tác động, sự cần thiết của việc bổ sung này, bảo đảm “phải thực sự cần thiết thì mới bổ sung”.

DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI) ĐỦ ĐIỀU KIỆN TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6 TỚI

DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT CÁC LUẬT VÀ CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ LIÊN QUAN ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự án Luật này được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ, đáng lưu ý có chính sách quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ. Theo đó, có 04 hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Dự thảo Luật quy định rõ các hoạt động dịch vụ lưu trữ; nguyên tắc, yêu cầu hoạt động dịch vụ lưu trữ; đối tượng kinh doanh và cung cấp hoạt động dịch vụ lưu trữ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ cho cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Các quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trữ và tiếp cận tài liệu lưu trữ chứa thông tin quan trọng trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tránh nguy cơ mất tài liệu, mất dữ liệu, lộ lọt thông tin, dữ liệu không được sao lưu. Đồng thời, việc quy định về Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhằm bảo đảm yêu cầu về năng lực, thái độ của cá nhân khi tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Đề cập về quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật, các hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm: (1) Chỉnh lý tài liệu; (2) Bảo quản tài liệu lưu trữ (gồm 02 hình thức là bảo quản tài liệu lưu trữ giấy và các vật mang tin khác và kho lưu trữ số); (3) Số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; (4) Tư vấn hoạt động lưu trữ và chuyển giao công nghệ lưu trữ.

Điều 45 của dự thảo Luật quy định các chủ thể kinh doanh và cung cấp dịch vụ lưu trữ gồm: (1) tổ chức có đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trữ; (2) cá nhân độc lập kinh doanh dịch vụ lưu trữ; (3) đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ lưu trữ; trong đó, cá nhân phụ trách chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ của tổ chức kinh doanh dịch vụ lưu trữ và cá nhân độc lập kinh doanh dịch vụ lưu trữ phải có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (khoản 6 Điều 44).

Đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các hoạt động dịch vụ lưu trữ nêu trên đều thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (việc quy định phải có chứng chỉ hành nghề lưu trữ thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh), nhưng dự thảo Luật hiện chỉ quy định “Hoạt động kinh doanh dịch vụ kho lưu trữ số thuộc ngành nghề kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư” (khoản 4 Điều 44) là chưa đầy đủ.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định sửa đổi Phụ lục IV của Luật Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ lưu trữ; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kho lưu trữ số để bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định việc cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ vì không thật sự cần thiết, tạo thêm rào cản, điều kiện kinh doanh; đồng thời, không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dịch vụ lưu trữ nhằm góp phần lưu giữ các thông tin, tài liệu có giá trị trong xã hội nói chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga 

Quan tâm đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ thống nhất với ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật và đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định sửa đổi Phụ lục IVcủa Luật Đầu tư để bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trữ, đồng thời bổ sung quy định cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kho lưu trữ số để đảm bảo đồng bộ với Luật Đầu tư. Về Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản nhất trí với điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ quy định tại khoản 4 Điều 47 của dự thảo Luật.

Đồng tình với các quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, ở đây có 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ nhưng trong dự thảo Luật hiện chỉ quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ số. Do đó, bày tỏ băn khoăn còn 3 hoạt động dịch vụ lưu trữ khác thì có đưa vào hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng được điều kiện, lý do về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Cho rằng trước đây khi sửa Luật Đầu tư, từ hơn 200 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được giảm bớt còn khoảng mấy chục ngành nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo ngại nếu bây giờ thêm vào thì cả 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ này có đưa cả 4 loại hình này vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không?

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần đánh giá tác động cả 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ dù đưa tất cả vào hay không vì do các yêu cầu, nguyên tắc của ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng theo xu hướng chung hiện nay là giảm số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ở đây còn liên quan đến Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra bỏ một số lý do của những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn lý do tại sao phải đưa việc cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ từ Sở về Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Từ các ý kiến phát biểu về vấn đề hoạt động dịch vụ lưu trữ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định sửa đổi phụ lục IV của Luật Đầu tư để bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời đề nghị đánh giá kỹ tác động về sự cần thiết, bảo đảm nếu thực sự cần thiết thì mới bổ sung. Vì xu hướng hiện nay đơn giản hóa quy định theo hướng giảm số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bây giờ đưa vào phải đánh giá kỹ tác động.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị quy định rõ hơn thời hạn nguyên tắc và điều kiện cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và cũng phải làm rõ hơn trong xu hướng phân cấp hiện nay thì luật này nâng cấp từ Sở cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ lên thành Bộ cấp chứng chỉ, do đó cần phân tích, làm rõ hơn nội dung này./.

Bích Ngọc