CẦN PHÂN TÍCH LÀM RÕ TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NĂM 2023

06/10/2023

Cho ý kiến thẩm tra sơ bộ về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023 tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật vừa qua, các đại biểu đề nghị báo cáo làm rõ nhiều nội dung, trong đó cần đánh giá làm rõ nguyên nhân của số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng trong thời gian vừa qua để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ HÀNH CHÍNH NĂM 2023

Toàn cảnh phiên họp

Phân tích, đánh giá rõ thực trạng, tình hình

Báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, trong năm 2023 tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022. Theo đó, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp tăng 41,8% và hơn 294.000 vụ việc (tăng 33,2%).

Trong công tác giải quyết khiếu nại, đối với cơ quan hành chính các cấp, số vụ việc khiếu nại đã giải quyết (17.421 vụ việc) nhiều hơn 23% so với năm 2022. Trong công tác giải quyết tố cáo, các cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 6.547 vụ việc thuộc thẩm quyền, nhiều hơn 12,5% so với năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước thấp hơn so với năm 2022 và thấp hơn mục tiêu chung phấn đấu (85%).

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá làm rõ nguyên nhân tại sao các vụ việc khiếu nại tăng trong thời gian vừa qua.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Cho biết báo cáo cho thấy các số liệu có sự gia tăng đáng kể, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam cho rằng cần phân tích làm rõ các nguyên nhân của tình trạng này, chỉ rõ đâu là nguyên nhân do tổ chức thực hiện, nguyên nhân do nhận thức pháp luật hay do công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật ở địa phương chưa sát, chưa chặt chẽ…để từ đó có giải pháp, định hướng xác thực hơn trong triển khai thực hiện công tác này.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam để có thể đề ra được giải pháp cần quan tâm đánh giá thẳng thắn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Một trong những tồn tại được chỉ ra là chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư ở một số nơi chưa cao, còn sai sót, nhầm lẫn, hướng dẫn chuyển đơn không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy những vấn đề liên quan đến khiếu nại về các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính chiếm tỉ lệ lớn. Do đó, cần phải xem xét, đánh giá một cách cụ thể và có giải pháp phù hợp. Bởi nếu mãi đề ra những giải pháp như tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hay tăng cường, nâng cao chất lượng…thì khó có thể giải quyết một cách dứt điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam

Một số ý kiến tại phiên họp cho biết qua tiếp xúc cử tri cho thấy một trong những nguyên nhân khiến cho khiếu nại tố cáo có xu hướng gia tăng là do chất lượng trả lời của các cơ quan cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai ghi nhận công tác phối hợp và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thẩm quyền được quan tâm tốt hơn so với các năm trước, từ đó đã có nhiều chuyển biến tốt như số lượt người, số người đoàn đông người khiếu nại, tố cáo, số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo đều giảm. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền đến quyền lợi và lợi ích của những công dân có khiếu nại, khiếu kiện.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, công tác giải quyết đơn, thư của cấp có thẩm quyền vẫn còn nhiều bất cập. Chất lượng giải quyết một số vụ việc thì chưa cao. Báo cáo kết quả giải quyết đơn thư và thông báo trả lời cho công dân còn chậm, trả lời chung chung chung dẫn đến công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh kéo dài. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy có những địa phương, các bộ, ngành trả lời những kiến nghị của công dân một cách chung chung, chỉ mang tính chất hình thức, không không đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của của cử tri, công dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên họp

Từ những thực tế trên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng báo cáo của Chính phủ cần phải quan tâm làm rõ thực trạng công tác trả lời, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được chú trọng. Hai là vi phạm về thời hạn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết không đầy đủ các nội dung khiếu nại của đương sự và không đảm bảo các căn cứ pháp luật và không phân tích, đánh giá về các nội dung của đương sự khiếu nại. Ba là, nhiều địa phương, bộ ngành thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa đủ năng lực, kinh nghiệm nhất là trong công tác quản lý hồ sơ như sổ địa chính, bản đồ địa chính…lưu trữ không đầy đủ hoặc thiếu nên khi phát sinh khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết. Ngoài ra, cán bộ thiếu chuyên môn dẫn đến tập hợp không đầy đủ, chính xác ý kiến cử tri hay trả lời không đúng, không đầy đủ và không phản ánh được thực chất vấn đề cử tri kiến nghị.

Nhấn mạnh yếu tố chất lượng cán bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng nếu các bộ, ngành, địa phương muốn nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó hiểu biết về pháp luật của một số công dân còn hạn chế. Một số trường hợp dù đã được có cơ quan thẩm quyền giải quyết nhiều lần, có lý, có tình nhưng công dân cố tình không chấp nhận kết quả mà tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm đến công tác công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Quan tâm đến cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết nhiều địa phương đã có kiến nghị mong muốn Thanh tra Chính phủ đẩy nhanh việc ứng dụng phần mềm và sớm hướng dẫn sử dụng cho các địa phương để kịp thời theo dõi, rà soát và cập nhật việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Có cùng vấn đề quan tâm, ghi nhận những kết quả tích cực trong việc nhập dữ liệu về các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các địa phương, bộ, ngành khai thác, sử dụng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư để đưa vào hệ thống quản lý để giúp cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mang tính chất hiệu quả, hiệu lực và tránh chồng chéo, giúp chia sẻ kết quả và kinh nghiệm trong xử lý trên phạm vi toàn quốc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng các cấp chính quyền phải đôn đốc để xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế. Đồng thời cần xây dựng cẩm nang về hướng dẫn trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Báo cáo làm rõ tình hình triển khai thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam đề nghị làm rõ và báo cáo bổ sung thêm tình hình triển khai các nội dung được giao trong Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 07/10/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chỉ rõ, Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 giao Chính phủ trong năm 2023, tổ chức rà soát về vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức, thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để hướng dẫn các bộ ngành và địa phương thực hiện bảo đảm tính đồng bộ, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, thực hiện có hiệu quả cao…; Nghiên cứu để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân; Thực hiện định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài ….Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn những nội dung này.

Có chung đề nghị, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ Chính phủ cũng cần báo cáo thêm về những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo dẫn tới mặc dù với rất nhiều cố gắng nhưng những chỉ số giải quyết khiếu nại, tố cáo, số liệu về tiếp công dân của các bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến tích cực.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị tăng cường rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những nội dung, lĩnh vực mà có khả năng gia tăng những vụ việc khiếu nại, tố cáo như đất đai, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, lĩnh vực môi trường, khai thác khoáng sản…Nhấn mạnh, đối với những luật liên quan đến những vấn đề đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến hoặc đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến vào những kỳ họp tiếp theo, Chính phủ cũng cần báo cáo với Quốc hội về những nội dung phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện và phương án sửa đổi với những giải trình, thuyết phục để nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức