CẦN THỐNG NHẤT HƠN CÁC TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI QUẢN LÝ, NGƯỜI ĐIỀU HÀNH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

05/10/2023

Tiếp tục góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Các công ty tài chính thuộc Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gửi đến Uỷ ban Kinh tế Quốc hội một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến tiêu chuẩn và điều kiện đối đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng.

SỬA ĐỔI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG: ĐỀ XUẤT BỔ SUNG THÊM ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG, MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

Tại hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ngày 2/10, đảm bảo chất lượng trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc pháp chế của Ngân hàng Sacombank, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính HD Saison, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ tài chính tiêu dùng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện cho các công ty tài chính đã đóng góp thêm một số kiến nghị liên quan đến Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng (Điều 41), các trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên,  Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, Hoạt động ngân hàng của Công ty tài chính chuyên ngành, Góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính chuyên ngành.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc pháp chế của Ngân hàng Sacombank, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính HD Saison, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ tài chính tiêu dùng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thay mặt các công ty tài chính góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Góp ý cụ thể về Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng (Điều 41), trong đó, cụ thể điểm đ Khoản 1 Điều 41, Dự thảo quy định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm”. Trong khi, Điều 11 Dự thảo quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị (“HĐQT”), Chủ tịch Hội đồng thành viên (“HĐTV”) là một trong những người là người đại diện theo pháp luật của TCTD. Cũng theo Điều 11 Dự thảo, người đại diện theo pháp luật của TCTD phải cư trú tại Việt Nam và được ủy quyền cho người khác để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi vắng mặt tại Việt Nam. Vì vậy, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhằm thống nhất với quy định tại Điều 11 Dự thảo, đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định chỉ bắt buộc đối với trường hợp Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV đồng thời là người đại diện theo pháp luật của TCTD, điều chỉnh như sau: “Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của TCTD, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.”

Liên quan đến nhân sự chủ chốt đối với trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên. Khoản 1 Điều 43 Dự thảo quy định: “ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng không được đồng thời là người điều hành, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng đó và tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác, trừ trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị của quỹ tín dụng nhân dân đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng hợp tác xã”, nhưng tại điểm b Khoản 2 Điều 43 Dự thảo quy định: “ Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm một trong các chức vụ sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này: b) Người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khác, người quản lý của doanh nghiệp khác, trừ trường hợp thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng làm người quản lý, người điều hành của công ty con của chính tổ chức tín dụng đó hoặc của công ty mẹ của tổ chức tín dụng đó hoặc trường hợp thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt"

Tuy nhiên, đặt vấn đề đối với các TCTD có phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Thành viên HĐQT, HĐTV vẫn được phép là người điều hành của các TCTD, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài. Với quy định này Hiệp hội ngân hàng đề nghị làm rõ Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Thành viên HĐQT, HĐTV không được đồng thời là người điều hành, thành viên BKS của TCTD, doanh nghiệp khác là các TCTD, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam.

Đối với trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc và các chức danh tương đương. Dự thảo Luật quy định tại Khoản 5 Điều 43:“ Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng không được đồng thời là người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác, trừ trường hợp Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng là người quản lý, người điều hành của công ty con của chính tổ chức tín dụng đó hoặc của công ty mẹ của chính tổ chức tín dụng đó.” Hiệp hội Ngân hàng đề xuất loại trừ đối với trường hợp TCTD này là công ty con của TCTD đó, không chỉ loại trừ Phó TGĐ như quy định tại Dự thảo.

Với quy định về thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, hiện diện thương mại (Điều 38). Tại Khoản 2 Điều 38 Dự thảo quy định: “ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập, chuyển đổi hình thức pháp lý, chấm dứt, giải thể đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này đối với từng loại hình tổ chức tín dụng”

Căn cứ điểm đ Điều 7 Thông tư 53/2018/TT-NNHN quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng thì “Tổ chức tín dụng phi ngân hàng có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá 03 chi nhánh trong 01 năm tài chính khi đáp ứng các điều kiện sau: đ) Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị và tại thời điểm đề nghị không vượt quá 4% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ;”

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng, do Công ty tài chính tiêu dùng có đặc thù “thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhấp thấp…” trong khi phải áp dụng các tiêu chí về an toàn hoạt động, tỷ lệ nợ xấu như TCTD là ngân hàng, ngân hàng thương mại là không phù hợp. Đề nghị xem xét mở rộng hoặc xây dựng riêng tiêu chí cho các công ty tài hoạt động theo giấy phép do NHNN cấp.. 

Đối với quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 101). Tại điểm a Khoản 2 Điều 101 Dự thảo quy định: “Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản vay sau đây: a) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cho thuê tài chính có mức giá trị nhỏ, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước;”

Tuy nhiên, đặc thù các công ty tài chính cũng được cho vay phục vụ đời sống. Do vậy, VNBA kiến nghị điều khoản này cần được áp dụng cho tổ chức tín dụng nói chung, thay vì chỉ áp dụng cho ngân hàng thương mại, ddề nghị sửa điểm a Khoản 2 Điều 101 thành: “a) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cho thuê tài chính có mức giá trị nhỏ, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước"

Hiệp hội ngân hàng đề nghị cho phép Công ty tài chính tiêu dùng được góp vốn, mua cổ phần/thành lập công ty con, công ty liên kiết trong lĩnh vực trung gian thanh toán ( Ảnh minh hoạ)

Với quy định về góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính chuyên ngành (Điều 122), hiệp hội ngân hàng đề nghị cho phép Công ty tài chính tiêu dùng được góp vốn, mua cổ phần/thành lập công ty con, công ty liên kiết trong lĩnh vực trung gian thanh toán

Bởi theo hiệp hội Ngân hàng, hiện các công ty tài chính tiêu dùng cấp tín dụng cho khách hàng cá nhân nhưng không được mở tài khoản thanh toán. Do vậy, việc KH thanh toán nợ phải thực hiện thông qua rất nhiều đầu mối trung gian thanh toán (Điểm thu hộ, ví điện tử) không chỉ gây bất tiện và tăng chi phí cho KH. Việc giải ngân trực tiếp vào tài khoản thanh toán liên kết với Ví điện tử để KH thực hiện tiêu dùng có thể giúp Công ty tài chính tiêu dùng quản lý tốt hơn mục đích sử dụng vốn vay của KH cũng như quan sát được hành vi tiêu dùng thật của KH.

Việc thành lập các công ty trung gian thanh toán sẽ hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của Công ty tài chính tiêu dùng cũng như tăng trải nghiệm cho KH.  Hiện tại, đa số các Công ty tài chính tiêu dung đã ứng dụng hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Bên cạnh đó, Công ty tài chính vẫn duy trì các “điểm giới thiệu dịch vụ” tại hầu khắp các tỉnh/thành. Do vậy, Công ty tài chính có nguồn lực và cơ sở hạ tầng dể thực hiện hoạt động trung gian thanh toán (điểm thu hộ hoặc ví điện tử).

 

Hải Yến

Các bài viết khác