NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT THI HÀNH PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ

04/10/2023

Sáng 04/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo "Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội – Lý luận và thực tiễn". Tại Hội thảo, trên cơ sở phân tích thực trạng, cơ sở lý luận, các chuyên gia đưa ra nhiều nhận định cùng kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đối với Chính phủ.

QUỐC HỘI GIÁM SÁT THI HÀNH PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ TRƯỚC QUỐC HỘI – LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc TS. Lê Hải Đường cho biết, hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Bộ (mã số ĐTCB.2023-05): “Giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm Chủ nhiệm Đề tài.

Khẳng định đây là Đề tài có ý nghĩa thiết thực về cả mặt lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay, TS. Lê Hải Đường đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến thẳng thắn, khách quan, toàn diện nhằm làm rõ thực trạng, cơ sở lý luận về giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đối với Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội;… Từ đó, đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động này trong thời gian tới.

TS. Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, cùng với chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội nước ta. Thời gian vừa qua, hoạt động giám sát luôn được Quốc hội quan tâm, đổi mới và ngày càng phát huy, nâng cao hiệu quả trên thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động giám sát cũng bộc lộ một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội cũng tồn tại một số hạn chế. Theo đó, cần phải khoanh vùng cụ thể về nội dung, đối tượng; làm rõ rõ cả về lý luận và thực tiễn;…

Nhấn mạnh bối cảnh Quốc hội đang tiến hành tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mong muốn Đề tài nghiên cứu sẽ đóng góp thiết thực, cụ thể trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện pháp luật. Đồng thời, đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn nhằm làm rõ hơn một số nội dung về hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục 

Quốc hội giám sát thi hành pháp luật

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật của Chính phủ là sự kiểm soát của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân đối với Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Theo đó, Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ thông qua các hoạt động sau: Xem xét báo cáo công tác của Chính phủ; Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Xem xét việc trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ; Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; Xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập để điều tra về một vấn đề nhất định; Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;…

Đánh giá về thực trạng, các đại biểu nhấn mạnh, hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Việc xem xét các báo cáo công tác của Chính phủ được thực hiện bài bản, truyền thanh và truyền hình trực tiếp, ngày càng công khai, minh bạch,… Tuy nhiên, cơ sở pháp lý và hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội còn có những hạn chế. Quy định pháp luật về một số hình thức giám sát chưa bảo đảm tính thống nhất, chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau; một số hình thức giám sát chưa có quy trình, thủ tục đầy đủ để thực hiện, chưa có quy định rõ ràng để xử lý trách nhiệm của người chịu sự giám sát, chủ yếu dừng ở việc kiến nghị;…

TS. Nguyễn Đình Quyền – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đối với Chính phủ, TS. Nguyễn Đình Quyền – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị, tổ chức điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức các phương thức giám sát của Quốc hội để các phương thức này trở thành các phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô;..

Ngoài ra, một số ý kiến khác đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; Gắn kết quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với hoạt động lập pháp để kịp thời kiến nghị, đề xuất bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật;…

Tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội, các đại biểu cho rằng, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội xuất phát từ chính vị trí, vai trò của Quốc hội; vị trí, vai trò của Chính phủ và mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ.

Theo TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, Chính phủ ngày càng thực hiện tốt hơn trách nhiệm giải trình của mình với việc cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời những báo cáo, tài liệu, hồ sơ,… khi trình Quốc  hội tại các kỳ họp cũng như phục vụ các hoạt động giám sát khác của Quốc hội. Chính phủ và các thành viên Chính phủ cũng có những giải trình cụ thể, trực diện những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra trong các phiên chất vấn và kịp thời có các giải pháp, phương án để khắc phục những yếu kém khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, TS. Đinh Văn Minh cũng cho rằng, còn hạn chế trong trách nhiệm giải trình với ý nghĩa là việc chịu trách nhiệm chính trị của Chính phủ và các thành viên Chính phủ đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện các hình thức trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội vẫn tồn tài một số hạn chế, bất cập như: Tồn tại từ khoảng trống pháp luật đến thực tế gánh chịu những hệ quả pháp lý bất lợi; Một số báo cáo của Chính phủ còn chung chung; Hoạt động trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trong nhiều trường hợp còn hạn chế;…

Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia về lĩnh vực này, các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị như: Tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội; Phân định rõ thẩm quyền; Rõ hệ quả pháp lý;…

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá làm rõ nhiều vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn liên quan đến việc giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Từ đó, đưa ra nhiều nhận định, kiến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện và tiếp tục nâng cao hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham góp tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, kết quả của hội thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, làm cơ sở, nguồn thông tin khoa học quan trọng phục vụ quá trình triển khai, hoàn thiện Đề tài cấp bộ “Giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam” đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Chủ nhiệm Đề tài

TS. Đinh Văn Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII

Các đại biểu tham dự Hội nghị

PGS. TS Hoàng Văn Tú, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Trưởng Ban Quản lý khoa học, Viện nghiên cứu lập pháp

TS. Trần Văn Thuân, Giám đốc Trung tâm NCLP về Kinh tế - Xã hội

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Hội thảo "Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội – Lý luận và thực tiễn"./.

Lê Anh - Ngọc Thúy - Nghĩa Đức