CẦN TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI

02/10/2023

Cho ý kiến tại Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV, các đại biểu cho biết vẫn còn tình trạng các Bộ, ngành trả lời các kiến nghị của cử tri vẫn còn chung chung, nặng tính hình thức.

1.887 KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI TỚI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Quang cảnh phiên họp.

Sáng 29/9 tại Nhà Quốc hội, Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Theo dự thảo Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.763 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định. Nội dung kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội, y tế, giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo, tài nguyên và môi trường, công an, nội vụ, nông nghiệp.

Đến nay, 1.887/2.763 kiến nghị của cử tri đã được trả lời, giải quyết, đạt 68,3%. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 49/69 kiến nghị, đạt 71%; Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 1.776 kiến nghị, đạt 67,9%.

Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ, cùng với sự tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu kiến nghị cử tri khi thực hiện công tác quản lý, điều hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Qua giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình ghi nhận, đến nay cơ bản tập hợp tương đối đầy đủ văn bản trả lời. Trong đó, một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống người dân, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Dân nguyện nhận thấy, một số Bộ, ngành địa phương trả lời chưa đầy đủ; có tình trạng Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định về hỗ trợ bảo hiểm y tế tại vùng an toàn khu. Đồng thời, còn tình trạng quy định trong văn bản hướng dẫn không đúng với quy định của luật hoặc có sai sót nên có quy định không thực hiện được; một số vấn đề cử tri kiến nghị có phạm vi áp dụng trong toàn quốc chưa được kịp thời giải quyết; một số Bộ, ngành trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn...

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng vẫn còn tình trạng một số Bộ, ngành trả lời các kiến nghị của cử tri chung chung, mang nặng tính hình thức mà không giải quyết thực chất các kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị các Bộ, ngành cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác trả lời kiến nghị của cử tri. 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, vẫn còn tình trạng nhiều Bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri chưa bảo đảm về chất lượng, trả lời chung chung hoặc quá kỹ thuật, hình thức và nhiều khi chỉ mang tính chất cung cấp thông tin, cử tri không “tâm phục khẩu phục”. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các Bộ, ngành cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác trả lời kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, những kiến nghị về vấn đề cụ thể thì cần phải có hướng giải quyết cụ thể, sát với thực tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam cũng cho rằng nhiều công văn trả lời cử tri của các Bộ, ngành còn chung chung. Các đại biểu đề nghị các Bộ, ngành trả lời rõ hơn, cụ thể hơn để đại biểu cũng như Đoàn ĐBQH các địa phương có cơ sở trả lời cử tri. Đồng thời cần chú trọng công tác phối hợp để xử lý, trả lời kiến nghị của cử tri.    

Bên cạnh việc trả lời cử tri đúng tiến độ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam đề nghị các Bộ, ngành trả lời rõ, đúng vào nội dung, kiến nghị của cử tri, trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm của kiến nghị, qua đó giảm bớt được cử tri gửi đơn kiến nghị nhiều lần.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà phát biểu tại phiên họp.

Nhấn mạnh các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội và cử tri, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà đề nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác này, tạo lập một đầu mối tiếp nhận, đôn đốc và chịu trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo Bộ về việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri.

Về thực trạng này, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh việc trả lời các kiến nghị của cử tri là trách nhiệm của các Bộ, ngành, chứ Ban Dân nguyện cũng như Quốc hội không thể làm thay. Khẳng định báo cáo về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp là một báo cáo quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị các Bộ, ngành tăng cường trách nhiệm để sâu sát, kịp thời và từng bước nâng cao chất lượng trong việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri./. 

Trọng Quỳnh