XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG XANH, HƯỚNG TỚI CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHUNG

29/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc xây dựng bộ chỉ số tăng trưởng xanh đảm bảo rà soát, xem xét tích hợp những định hướng, nội dung quan trọng có liên quan, không mâu thuẫn, chồng lắp, mà cùng cộng hưởng với những văn bản mới ban hành cho giai đoạn mới để hướng tới các mục tiêu phát triển chung.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan tâm đến vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển nhanh, bền vững.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, để triển khai các chiến lược và chính sách phát triển vĩ mô về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, quy hoạch, đề án, kế hoạch hành động các cấp, các ngành. Việc xây dựng bộ chỉ số tăng trưởng xanh đảm bảo rà soát, xem xét tích hợp những định hướng, nội dung quan trọng có liên quan, không mâu thuẫn, chồng lắp, mà cùng cộng hưởng với những văn bản mới ban hành cho giai đoạn mới để hướng tới các mục tiêu phát triển chung. Cụ thể, bộ chỉ số tăng trưởng xanh xem xét tích hợp các nội dung phù hợp từ Kế hoạch hành động quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi lồng ghép các nội dung chống chịu với BĐKH trong các hành động tăng trưởng xanh; cập nhật các hành động về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, về giảm nhẹ, hấp thụ và kiểm kê KNK từ Quy định giảm nhẹ KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; xem xét giải pháp của các quy hoạch đã ban hành để phát triển sâu sắc thêm các khía cạnh “xanh” trong các hành động về quản lý tài nguyên và phát triển cơ sở hạ tầng...

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam

Đối với các văn bản chính sách mới, đặc biệt là các kế hoạch, chương trình, đề án, quy hoạch ngành của các cấp và các ngành dự kiến xây dựng và ban hành trong thời gian tới, mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh sẽ là cơ sở để thực hiện tích hợp nhằm tạo tính đồng bộ, bổ trợ giữa các văn bản chính sách theo hướng xanh, góp phần xanh hóa các ngành và không gian, lãnh thổ trong giai đoạn 2021-2030. Các nội dung tích hợp gồm các xây dựng bộ chỉ số về chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp và nguồn lực đảm bảo tuân theo các nguyên tắc đồng hướng, không mâu thuẫn, có căn cứ khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Ngày 1 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược tăng trưởng xanh”. Chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 04 mục tiêu chính: Giảm cường độ phát thải KNK trên GD; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Định hướng mạnh mẽ cho mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính (KNK), Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế, song song với việc đề ra những định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tập trung xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.

Đặc biệt để cụ thể hoá Chiến lược tăng trưởng xanh, Thủ tưởng chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ: Xây dựng, hướng dẫn, triển khai hệ thống chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh; bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đề xuất lộ trình doanh nghiệp công bố thông tin tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Xây dựng, tích hợp “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp” vào các văn bản định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Thông qua rà soát hệ thống chính sách hiện có thì các hành động cụ thể để hoàn thiện đồng bộ khung cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó tập trung vào các chính sách mới ở các cấp, các ngành như chính sách phát triển các công cụ kinh tế, tài chính và đầu tư xanh, mua sắm công xanh, cơ chế trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường... cũng như khung thử nghiệm một số chính sách đặc thù về tăng trưởng xanh, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới Lộ trình PTR0 đòi hỏi nhiều chính sách đột phá.

Minh Hùng