GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

28/09/2023

Tại Phiên giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) diễn ra ngày 28/9, các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ ngành đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự án Luật; thuế, phí tài nguyên nước...

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 7

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Ngày 28/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; Nguyễn Thị Lệ Thủy; các thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị hữu quan.

Trong khuôn khổ Phiên họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết: Đến nay, đã có 137 lượt góp ý cho dự thảo Luật với 609 ý kiến. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5, đã có 98 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường với 112 ý kiến góp ý và 04 ý kiến góp ý bằng văn bản. Tại khi họp lần thứ 25 UBTVQH có 5 lượt góp ý với 31 ý kiến. Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách có 7 lượt góp ý với 27 ý kiến. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Ngay sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo, tham khảo ý kiển chuyên gia, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ý kiến các vị ĐBQH đã được tổng hợp, tiếp thu, giai trình tại báo cáo 48 báo cáo trang kèm theo bộ tài liệu gửi thành viên Ủy ban tại Phiên họp toàn thể Ủy ban hôm nay và gửi xin ý kiến 63 đoàn ĐBQH và các cơ quan hữu quan.

Đến thời điểm này, dự thảo Luật đã là phiên bản chính thức thứ 7, chưa kế các phiên bản phụ khác theo từng đợt hội thảo xin ý kiến. Dự thảo Luật theo phiên bàn gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH gồm 10 chương 86 Điều.

Qua rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, dự thảo Luật đã thể chế và cụ thể hóa đầy dù quan điểm, chính sách của Đảng trong toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận 36 của Trung ương về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách lớn đã được Chính phủ trình theo tờ trình số 162 và được Quốc hội thống nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự án Luật; thuế, phí tài nguyên nước...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung.

Đóng góp ý kiến vào việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung cho rằng, tại khoản 1 Điều 26 của dự án Luật có đề cập việc tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trách nhiệm ngăn chặn người không có ý thức bảo vệ nguồn nước cần được quy định cụ thể như thế nào, chưa rõ. Hành vi hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước dựa vào tiêu chí nào cũng cần được đề cập rõ hơn trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Cho ý kiến về đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần rà soát lại vì trong dự án Luật có đề cập phạm vi điều chỉnh nhưng lại không ghi đối tượng điều chỉnh. Vì vậy, cần đề cập rõ hơn về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự án Luật.

 Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách.

Nêu quan điểm quản lý tài nguyên nước, đại biểu Vũ Tuấn Anh- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, tại điều 4 khoản 1 của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có quy định về hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên nước nhưng không phải là chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước. Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, rà soát bỏ nội dung này.

Liên quan đến thuế, phí tài nguyên nước quy định tại Điều 68, đại biểu Vũ Tuấn Anh nêu quan điểm: Tại khoản 2 của Điều 68 có đưa ra giá tính thuế đối với tài nguyên nước thiên nhiên. Tuy nhiên, việc thuế tài nguyên đã được quy định trong Luật Thuế tài nguyên nên không cần thiết tính giá thuế đối với tài nguyên nước thiên nhiên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông. Những ý kiến của các đại biểu sẽ tiếp tục được lắng nghe, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Luật.

Phát biểu kết luận Phiên họp về dự án Luật Viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, đơn vị hữu quan đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu về các nội dung để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật khác, đặc biệt là về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; cấp phép dịch vụ tài nguyên nước... Tất cả những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất cần được tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra, chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới.

Trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

 

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với phần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Giám đốc học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm tại Phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đóng góp ý kiến về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm rõ những nội dung đại biểu nêu tại Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp, đồng thời yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra, chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới./.

Bích Lan-Trọng Quỳnh