LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN, TRÁCH NHIỆM CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

27/09/2023

Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã gửi tới UBTVQH báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực nội vụ. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách hiệm chậm ban hành văn bản về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả sắp xếp tính đến thời điểm 30/6/2022: Đối với bộ, ngành còn 1.035 đơn vị, giảm 98 đơn vị, tương ứng giảm 8,6%; đối với địa phương còn 46.653 đơn vị, giảm 7.631 đơn vị, tương ứng giảm 14,05%.

Về thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập (về vị trí việc làm và nhân sự , tổ chức bộ máy , tài chính), các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở thực hiện mục tiêu có 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho viên chức, thu hút nhân tài, lao động giỏi làm việc, trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, phát triển đơn vị, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Về xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, để khuyến khích đầu tư của xã hội tham gia cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, nhiều chính sách về khuyến khích xã hội hóa đã được ban hành.

Việc triển khai chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế đã từng bước khai thác, phát huy có hiệu quả, nguồn lực xã hội hóa đã đóng góp tích cực vào nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, từng bước đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của một bộ phận dân cư và góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg , tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, chủ yếu mới dừng lại ở mức rà soát, lập danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần. Ngày 25/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Tính đến hết năm 2020, cả nước đã có 53 đơn vị sự nghiệp công lập (chiếm 22,8% trong tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển thành công ty cổ phần) đã hoàn thành việc cổ phần hóa, tập trung chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phần lớn được thực hiện trong giai đoạn 2017-2019 (41 đơn vị sự nghiệp công lập, chiếm 77,4%). Ngành, lĩnh vực hoạt động của 53 đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện chuyển thành công ty cổ phần tập trung trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ tư vấn, kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới và phương tiện thủy, quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; kinh doanh nhà khách, nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú và phục vụ hội họp; phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lĩnh vực đào tạo sát hạch lái xe .

Năm 2020, do có sự thay đổi và hoàn thiện về các quy định pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần vào cuối năm 2020; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện Quyết định thay thế Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) nên rất ít đơn vị sự nghiệp công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi thành công ty cổ phần (05 đơn vị sự nghiệp công lập). Phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hóa trong giai đoạn 2015-2020 là các đơn vị có quy mô nhỏ, chỉ có 14/53 đơn vị sự nghiệp công lập có giá trị vốn và tài sản nhà nước được xác định trước khi cổ phần hóa lớn hơn 10 tỷ đồng.

Việc thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần về cơ bản đã được các bộ, địa phương chủ động thực hiện triển khai, đã có 23 bộ, ngành, địa phương thực hiện thành công việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; trong đó có 02 địa phương hoàn thành chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần nhiều nhất: Hậu Giang (06 đơn vị), Quảng Nam (09 đơn vị). Tuy nhiên, việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm, chỉ chiếm 24,2% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương chưa bám sát với các quy định (07 địa phương ban hành Quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi khi chưa nhận được văn bản ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ).

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với những kết quả đã đạt được của Chính phủ như đã nêu trong Báo cáo. Kết quả này cho thấy thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết tâm trong đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương (giảm 14,05% so với giai đoạn 2011 - 2025), tinh giản biên chế sự nghiệp (số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 11,67% so với giai đoạn 2011 - 2015), nhiều chính sách về khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được ban hành, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo và y tế...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Qua rà soát, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo Nghị quyết số 56, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan phải rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản pháp luật liên quan trong năm 2018 để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng.

Tuy nhiên, một số nội dung Chính phủ đã hoàn thành chậm tiến độ so với yêu cầu (ví dụ: việc ban hành Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập để thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (chậm 1 năm 10 tháng); việc ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (chậm 1 năm 10 tháng)). Đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan trong việc chậm ban hành văn bản; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, ban hành văn bản và việc chậm ban hành các văn bản nêu trên đã ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản lý, điều hành của các cơ quan trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 56 còn đặt ra nhiệm vụ rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận; thực hiện lộ trình sắp xếp lại và giảm tối đa việc Nhà nước tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nội dung này chưa được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ.

Đối chiếu với các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 75, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy Chính phủ còn chưa có báo cáo về các nội dung sau đây: Tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, làm cơ sở để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế.

Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành quy định về chế độ hợp đồng đối với một số loại công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng. Khẩn trương giải quyết tình trạng giao biên chế sự nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước (như kiểm lâm, kiểm ngư, thanh tra giao thông…). Trong giai đoạn 2022 - 2026, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Minh Hùng