TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ HỆ THỐNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG

27/09/2023

Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH, Ủy ban Xã hội đã gửi UBTVQH Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực y tế. Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng cần tăng cường triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH, Ủy ban Xã hội đã gửi UBTVQH Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết kỳ họp thứ 4 trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, về việc triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh nội trú bảo hiểm y tế tuyến tỉnh từ năm 2021, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, Chính phủ đã chuẩn bị tốt các giải pháp để thực hiện thông suốt quy định thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế. Nội dung này đã đạt yêu cầu Quốc hội đề ra.

Về việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, nhiều giải pháp đã được Chính phủ triển khai ngăn chặn, xử lý nghiệm các hành vi vi phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Nhiều vụ việc đã và đang bị điều tra và được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, việc Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu tại Kỳ họp thứ 5 cũng là giải pháp quan trọng để tháo gỡ các khó khăn và ngăn chặn vi phạm trong việc mua sắm thuốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Về việc xử lý dứt điểm tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, thuốc và dịch vụ y tế không cần thiết trong khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban cho rằng, tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng (như xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh...), chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế. Vấn đề này vẫn đang tiếp tục diễn ra và được nhiều cử tri phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, Báo cáo số 335 cũng cho thấy trong chỉ đạo điều hành vẫn chủ yếu dựa trên Chỉ thị số 10/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 2019 mà chưa có giải pháp mới, quyết liệt hơn. Các giải pháp và cam kết thực hiện trong thời gian tới của Chính phủ cũng chưa căn cơ, không cụ thể và mang tính khẩu hiệu.

Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp cụ thể, gắn liền với việc hướng dẫn thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mới được Quốc hội ban hành đầu năm 2023 để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bệnh.

Về việc thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc, Thường trực Ủy ban cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đơn giản hóa mạnh mẽ các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng việc quản lý dữ liệu, liên thông hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội, áp dụng bệnh án điện tử… Qua đó, đã tạo thuận lợi hơn, không chỉ cho người dân mà còn cả nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 cũng đã quy định cụ thể nội dung này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng người dân phải xét nghiệm lại khi chuyển tuyến do chất lượng xét nghiệm không đồng đều ở các tuyến. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc có hướng dẫn để công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau; tăng cường triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Về việc huy động các thành phần kinh tế đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ trong ngành y tế; phát triển y dược cổ truyền, dược liệu trong nước; khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc bản quyền, thuốc công nghệ cao, thuốc và nguyên liệu làm thuốc có giá trị kinh tế cao. Báo cáo số 335/BC-CP ngày 14/7/2023 mới nêu nội dung liên quan đến phát triển y dược cổ truyền, dược liệu trong nước mà chưa đề cập đến 2 nội dung: huy động các thành phần kinh tế đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ trong ngành y tế; khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc bản quyền, thuốc công nghệ cao, thuốc và nguyên liệu làm thuốc có giá trị kinh tế cao. Đề nghị Chính phủ sớm báo cáo bổ sung nội dung này.

Liên quan đến phát triển y dược cổ truyền, dược liệu trong nước, trong những năm gần đây, công tác này đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của nguồn dược liệu phong phú, đa dạng trong nước; nuôi trồng dược liệu còn manh mún; dược liệu không đảm bảo chất lượng còn trôi nổi trên thị trường; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách về lĩnh vực này còn chậm. Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn trong việc mua thuốc dược liệu, nguyên liệu y dược cổ truyền mà chưa được tháo gỡ, làm hạn chế công tác khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm  phát triển nguồn dược liệu trong nước, chú trọng việc phát triển dược liệu một cách hệ thống theo từng khu sinh thái, tích cực huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong việc đầu tư về khoa học và công nghệ trong sản xuất dược liệu, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về y dược cổ truyền, trong đó có quy định đặc thù về mua sắm dược liệu, để thúc đẩy, phát triển nền y học cổ truyền, dược liệu, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm phát huy lợi thế y học cổ truyền và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Về việc đẩy mạnh việc thực hiện số hóa toàn diện ngành Y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện số hóa toàn diện ngành Y tế. Đáng chú ý là việc thúc đẩy triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi người có một hồ sơ sức khỏe điện tử với thông tin được cập nhật liên tục, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình. Cùng với đó là việc phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Tuy nhiên, việc số hóa toàn diện ngành Y tế chưa đạt kết quả như mong muốn do thiếu hướng dẫn về khám bệnh, chữa bệnh từ xa ở trạm y tế xã dẫn đến việc khó khăn trong triển khai; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn khác nhau giữa các tuyến…

Hồ Hương