UBTVQH THỐNG NHẤT CAO VỚI SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TOÀN DIỆN DỰ ÁN LUẬT TÒA ÁN NHÂN DÂN, THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự án luật được cơ quan soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 26. Theo Tờ trình, dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) bổ sung Điều 62, 63 về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt vào hệ thống Tòa án nhằm xét xử một số loại án đặc thù, thể chế hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “xây dựng Tòa án chuyên nghiệp”; Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp đối với người chưa thành niên…” và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về “nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính”.
Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao cũng nêu: Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.
Cho ý kiến về quy định này trong dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán, hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc này. Tuy nhiên, cần phải giải trình, bổ sung quy định rõ tiêu chí, điều kiện để thành lập các Tòa án này bảo đảm không tăng biên chế tổ chức. Đồng thời, đề nghị cân nhắc tại Mục 3 Chương IV về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt chỉ có 2 Điều là chưa bảo đảm cân đối với các mục khác trong dự án luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt tiến tới chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động xét xử của Tòa án; việc tổ chức các Tòa án chuyên biệt để thực hiện xét xử đối với một số loại vụ việc phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn cao là yêu cầu cần thiết. Nhất là trong điều kiện hiện nay chúng ta đang chuyên môn hóa, chuyên sâu hóa; khoa học, công nghệ phát triển, có nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn rất sâu của thẩm phán để có thể giải quyết được những vấn đề chuyên môn.
Tuy vậy, việc tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt trong lĩnh vực nào, số lượng bao nhiêu, cách thức tổ chức hoạt động như thế nào cần được xem xét, cân nhắc kỹ để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật còn băn khoăn việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi, thẩm quyền theo loại việc của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Bởi nếu dự án luật quy định giao Ủy ban Thường vụ sẽ vướng; cần làm rõ sự phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 102 của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án khác do luật định”. Như vậy, theo Hiến pháp, tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt phải do luật định, nghĩa là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân phải quy định loại hình Tòa án chuyên biệt, còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng có bao nhiêu Tòa án, thẩm quyền theo lãnh thổ của từng Tòa án.
“Bởi vì quy định vào trong Luật Tổ chức Tòa án thì mới giải quyết được các luật tố tụng có liên quan; nếu chúng ta chỉ quy định giao Ủy ban Thường vụ nhưng Luật Tố tụng không sửa, không quy định thẩm quyền của các Tòa án chuyên biệt, khi triển khai sẽ gặp vướng mắc. Tôi đề nghị làm rõ thêm và chỉ nên quy định theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về số lượng, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án sơ thẩm chuyên biệt; còn tên gọi và thẩm quyền theo loại việc của các Tòa án này cần được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và được cụ thể hóa trong các luật tố tụng có liên quan để đảm bảo tính khả thi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với các lý do nêu Tờ trình, thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại vụ việc đặc thù, có tính chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các Thẩm phán, Hội thẩm của Tòa án sơ thẩm chuyên biệt có trình độ, chuyên môn sâu, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc này. Tuy nhiên, Tờ trình và dự thảo Luật chưa làm rõ định hướng sẽ thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại địa hạt pháp lý nào; số lượng bao nhiêu; cơ cấu tổ chức của Tòa án này như thế nào. Mặt khác, việc quy định Tòa án này trong tổ chức Tòa án nhân dân làm tăng thêm đầu mối, nên cần có ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thế giới, nước nào cũng có tòa án chuyên biệt, ví dụ tại Trung Quốc có rất nhiều tòa chuyên biệt: tòa Internet, tòa đường sắt, tòa thương mại. Về ý kiến đề nghị làm rõ trong luật những loại hình tòa chuyên biệt nào, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong quá trình soạn thảo có dự kiến 3 Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt: Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản, Tòa hành chính, nhưng vấn đề đặt ra trong tương lai có thêm các tòa nữa thì sẽ phải sửa luật. Vì vậy, trong dự án luật quy định có tòa chuyên biệt, còn tòa gì, số bao nhiêu, ở đâu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Cho ý kiến về quy định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt là xu thế tất yếu và phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng ý về nguyên tắc cần bổ sung quy định này trong dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề mới, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thêm trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tới.