ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN, TOÀN DIỆN, RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Báo cáo Tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội vụ luôn được quan tâm hoàn thiện.
Trong đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; đã trình Quốc hội ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các luật, nghị quyết để thực hiện phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực; trình UBTVQH ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 02 nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nhiều văn bản hướng dẫn khác;... Đồng thời, ban hành 26 nghị định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 01 nghị định và 01 thông tư về cán bộ, công chức cấp xã; ban hành một số văn bản pháp luật để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng; tổng kết Đề án thí điểm thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng để nghiên cứu, thể chế hóa thành quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần một số nội dung Chính phủ đã hoàn thành nhưng chậm tiến độ so với yêu cầu hoặc chưa hoàn thành, cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, ban hành văn bản, giải pháp và tiến độ hoàn thành cho thời gian tới.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần
Về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương, địa phương và số lượng cấp phó: Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, giảm số lượng các tổ chức hành chính ở trung ương và địa phương được tích cực triển khai; theo đó, ở cấp trung ương, đã giảm được 17 tổng cục và tương đương, 08 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm cơ bản phòng trong vụ; ở cấp địa phương, đã giảm được 07 sở, 2.159 phòng thuộc sở và phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; đối với các tổ chức phối hợp liên ngành, đã giảm được 17 tổ chức so với thời điểm 31/12/2021.
Tuy nhiên, các số liệu thể hiện còn chưa rõ ràng, đồng bộ và thống nhất về thời điểm, dẫn đến khó đánh giá một cách tổng quát về hiệu quả; chưa đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian qua; chưa chỉ rõ tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành. Đối với cấp trung ương, chưa thống kê, chưa thể hiện được sự đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021); ở cấp địa phương, cần cụ thể hơn yêu cầu liên quan đến việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Số lượng cấp phó đã giảm chưa được thống kê số liệu cụ thể, nên chưa có cơ sở để đánh giá về kết quả, hiệu quả; yêu cầu giảm số lượng người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị cũng chưa được Chính phủ đánh giá.
Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở: Những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở đang từng bước được giải quyết, đáp ứng yêu cầu từng bước liên thông, đồng bộ và thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quyết định một số nội dung cụ thể đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; triển khai quyết liệt việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố nhằm giảm đầu mối, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, hiện nay, quy mô của thôn, tổ dân phố được mở rộng hơn rất nhiều (cả về dân số và diện tích) nên công tác quản lý, hoạt động của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn.
Về triển khai thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Việc thực hiện chủ trương, quy định về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và chuẩn bị cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương trong việc rà soát, hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Tham gia ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 02 nghị quyết về phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính, sửa đổi, bổ sung các nghị quyết hiện hành cũng như Nghị quyết 35 về tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021-2026. Về phía Chính phủ, kể cả Chính phủ và các bộ liên quan phải khẩn trương ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của giai đoạn 2019- 2021, đồng thời để triển khai sắp xếp được các đơn vị hành chính của giai đoạn mới. “Qua thẩm tra cho thấy, còn một số văn bản là chưa ban hành, chưa kịp thời…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và một số vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở trung ương và địa phương cũng như số lượng cấp phó để thực hiện phân cấp, phân quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nội dung này liên quan đến tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14, Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 75/2022/QH15, còn một số văn bản ban hành chậm.
Dẫn chứng cho nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ: Một số nhiệm vụ các bộ, ngành, cơ quan không cần thiết phải thực hiện, được giao tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận nhưng hướng dẫn những nội dung này còn chậm. Hay việc điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, yêu cầu hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ,... Đây là một nội dung trong đề án do Bộ Nội vụ đang chuẩn bị về đổi mới và cải cách cơ cấu, tổ chức của Chính phủ để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, nhưng là những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết ố 56/2017/QH14 và Nghị quyết số 134/2020/QH14, vì vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm để thực hiện.
Liên quan đến vấn đề chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố vẫn cần được tiếp tục quan tâm, có hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc; vấn đề quản lý biên chế, công chức, viên chức, tiêu chuẩn, điều kiện thi tuyển lãnh đạo, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập;...
Về nội dung này, tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đề nghị, Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm về: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã , cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và một số nội dung khác; Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương, địa phương và số lượng cấp phó; Thực hiện phân cấp, phân quyền; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; Quản lý biên chế, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, điều kiện thi tuyển lãnh đạo; Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập./.