ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ BỘ, NGÀNH VỀ CÔNG TÁC THÔNG TIN, BÁO CHÍ, XUẤT BẢN

26/09/2023

Sáng 26/9, tại Hà Nội Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và dự kiến công tác năm 2024 đối với lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản.

ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ BỘ NGÀNH VỀ CÔNG TÁC THANH NIÊN, TRẺ EM

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2023 là năm tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tình hình trong nước bắt đầu có những chuyển biến tích cực nhưng nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ bối cảnh thế giới.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với lĩnh vực báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành thông tin truyền thông năm 2023, đưa ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Theo đó, báo chí tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để đo lường, đánh giá xu hướng thông tin, quản lý và điều tiết thông tin theo hướng “quản số lớn”.

Tính đến nay, cả nước có 807 cơ quan báo chí (138 báo, 669 tạp chí). Hiện nay, các cơ quan báo chí cũng gặp phải những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, quảng cáo. Các cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo in là 10%, đối với hoạt động báo nói, báo hình, báo điện tử là 20%. Bên cạnh đó, quy định về quảng cáo trên báo chí cũng đang tồn tại bất cập, một số quy định pháp luật về báo chí chưa phù hợp bối cảnh truyền thông số đang phát triển mạnh mẽ…

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo

Về các hoạt động xuất bản, in và phát hành, năm 2023, Bộ đã xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản gửi Chính phủ xem xét, giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Xuất bản (sửa đổi).

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ đã đồng hành cùng ngành xuất thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi hoạt động xuất bản. Bộ đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào v iệc nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế liên quan đến năng lực và tiềm lực, nhân lực của nhà xuất bản. Thực trạng in lậu, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản có chiều hướng giảm, song vẫn còn nhiều tồn tại, chậm khắc phục. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vào quy trình xuất bản xuất bản phẩm điện tử còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Các đại biểu tại buổi làm việc

Theo Báo cáo của Đài Truyền hình Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023 với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam đã tập trung tuyên truyền; thực hiện nhiệm vụ nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, mang tới các chương trình hấp dẫn cho khán giả. Các đơn vị đã đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình; hệ thống kỹ thuật đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất phát sóng... Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đang gặp một số khó khăn, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, quảng cáo, trong đó có việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó là khó khăn trong mảng chương trình liên kết sản xuất.

Đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, theo Báo cáo, từ đầu năm 2023 đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; Tích cực đấu tranh, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, xuyên tạc, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp củ tổ chức, công dân. Trong thực tiễn hoạt động, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn đến từ cơ chế tự chủ tài chính cũng như liên kết trong hoạt động báo chí, khó khăn trong hoạt động quảng cáo. Đài Tiếng nói Việt Nam kiến nghị cần có cụ thể hóa cơ chế đặt hàng sản xuất chương trình, cùng một số điều chỉnh cơ chế tự chủ, chính sách tiền lương... cho phù hợp với thực tế.

Với vai trò là cơ quan thông tấn quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thông tấn xã Việt Nam đã làm tốt công tác thông tin kịp thời, chuẩn xác, khách quan về các sự kiện, vấn đề trong nước và thế giới. Do xu hướng độc giả báo chí truyền thông tiếp tục thay đổi theo sự phát triển của khoa học công nghệ khiến nguồn thu từ xuất bản báo chí và quảng cáo khó được duy trì như các năm trước. Tuy nhiên, Thông tấn xã Việt Nam căn bản hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, ngày càng khẳng định là cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Qua thảo luận, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Nội dung các báo cáo cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và các 3 cơ quan thông tấn, báo chí.

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban ghi nhận kết quả các đơn vị đã chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được trong 9 tháng đầu năm 2023 về công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, xuất bản và hoạt động báo chí; cơ bản đồng tình với những nhận định về tồn tại, hạn chế, khó khăn trong năm 2023 và dự kiến chương trình công tác năm 2024; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm xây dựng kế hoạch năm 2024 khả thi, sát với thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có nhiều hoạt động đổi mới, tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; tăng cường công tác chỉ đạo định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, tăng cường rà soát, đánh giá đầy đủ toàn diện phát sinh bất cập trong quy định của chính sách pháp luật, chủ động đề xuất sửa đổi.

Đối với các cơ quan báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị, cần tích cực đổi mới tổ chức, hoạt động, thực hiện tự chủ phù hợp với xu hướng phát triển; tăng cường chuyển đổi số, chủ động thích ứng với sự phát triển của công nghệ, tích cực đầu tư hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí; nhằm nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới về phương thức thông tin và bảo đảm tính chính trị, tư tưởng... trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc: 

Toàn cảnh buổi làm việc

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và dự kiến công tác năm 2024 đối với lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đinh Đắc Vĩnh

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ​Phạm Mạnh Hùng

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng

Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc

Qua thảo luận, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam

Cho rằng nội dung các báo cáo cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và các 3 cơ quan thông tấn, báo chí...

Các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng ghi nhận kết quả các đơn vị đã chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được trong 9 tháng đầu năm 2023 về công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, xuất bản và hoạt động báo chí

Đồng thời, cơ bản đồng tình với những nhận định về tồn tại, hạn chế, khó khăn trong năm 2023 và dự kiến chương trình công tác năm 2024; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm xây dựng kế hoạch năm 2024 khả thi, sát với thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có nhiều hoạt động đổi mới, tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

Cùng với đó, tăng cường công tác chỉ đạo định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, tạo sự đồng thuận trong xã hội

Đối với các cơ quan báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị, cần tích cực đổi mới tổ chức, hoạt động, thực hiện tự chủ phù hợp với xu hướng phát triển; tăng cường chuyển đổi số, chủ động thích ứng với sự phát triển của công nghệ, tích cực đầu tư hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí; nhằm nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới về phương thức thông tin và bảo đảm tính chính trị, tư tưởng... trong thời gian tới

Thu Phương - Nghĩa Đức