THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ 1 DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2023: NHỮNG ƯU TIÊN CHÍNH SÁCH TRONG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ VÀ THỊ TRƯỜNG
Theo các chuyên gia, các vùng kinh tế trọng điểm được xác định là các vùng động lực làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước. Hiện, trên cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm là: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, có tình trạng tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tình trạng thiếu liên kết vùng do việc chia cắt không gian vùng quá nhỏ, khiến cơ chế phối hợp giữa các vùng rất khó khăn, dẫn đến hoạt động kinh tế manh mún.
Đưa ra ví dụ thực tế, Tp.Hồ Chí Minh triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về các cơ chế chính sách đặc thù, các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 98 cần phải tăng tốc, nỗ lực đưa vào cuộc sống để Tp.Hồ Chí Minh bứt phá, tạo liên kết vùng, từ đó tạo đà kéo tăng trưởng chung của cả nước.
TS.Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế
Theo TS. Trần Du Lịch, nếu gọi Tp.Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, các địa phương khác là toa tàu, tuy nhiên thực tế hiện nay, đầu tàu lại tăng trưởng chậm, chạy chậm hơn toa tầu. Đây là thực trạng cần nhìn nhận thẳng thắn. Cùng với đó, cần xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng…Theo Tiến sỹ Trần Du lịch Nghị quyết 98 của Quốc hội là chế định mang tính hình thức, vừa là chế định mang tính nội dung, sẽ góp phần giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh cải cách, nâng cao quản trị cải cách hành chính địa phương Nghị quyết 98 được ví như cái móng nhà vững chắc. Xây cao, xây thấp như thế nào lại do chính Thành phố Hồ Chí Minh quyết định.
Nghị quyết 98 với việc tạo ra những điểm đột phá mạnh về thể chế thì việc đầu tiên Tp.Hồ Chí Minh cần làm là nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm. Đối với các dự án có đầu tư công, tỷ lệ giải ngân càng cao đồng nghĩa càng “bơm được nhiều oxy” cho nền kinh tế.
Đối với các dự án tư nhân, tháo gỡ được các điểm nghẽn tồn tại lâu nay sẽ cải thiện được môi trường đầu tư, tạo thêm niềm tin đối với doanh nghiệp, người dân vào hệ thống công quyền. Để gỡ các điểm nghẽn trong cải cách hành chính, Tp.Hồ Chí Minh cần triển khai xây dựng đề án phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý. Thông qua đó, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi được phân quyền, đội ngũ cán bộ cấp dưới phải nhanh chóng vào cuộc với tinh thần lăn xả vì việc chung, không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, nếu Tp.Hồ Chí Minh mà sụt giảm 1% thì kéo theo cả nước sụt giảm 0,22%.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh
Về việc triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 98 ra đời đã tạo ra tâm lý phấn khởi cho người dân toàn thành phố. Thành phố cũng đang rất quyết liệt triển khai để đưa Nghị quyết này vào trong cuộc sống, nỗ lực khai thác tối đa cơ chế đặc thù, tập trung phát triển nguồn lực nội sinh, khai thác tiềm năng phát sinh từ hạ tầng như hạ tầng giao thônhg, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hiệu quả hơn, là những mục tiêu mà Tp.Hồ Chí Minh đang thực hiện.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nghị quyết 98 đã đem đến cho Tp.Hồ Chí Minh nhiều cơ hội triển khai các dự án đối tác công tư với những chính sách đặc thù. Từ đó, Tp.Hồ Chí Minh có thể huy động nguồn lực, giúp đẩy nhanh những dự án trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng, tạo lợi ích cho xã hội cũng như đà cho sự phát triển của thành phố.
Theo ông Dương Anh Đức, với 4 nhóm chính sách tạo động lực nhất từ trước tới nay với 5 nội dung phân cấp, phân quyền để nâng cao năng lực quản trị hành chính ông, Dương Anh Đức bày tỏ kỳ vọng Tp.Hồ Chí Minh sẽ tháo gỡ được gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tháo được nút thắt về hạ tầng để thực sự phát triển xứng tầm.
PGS.TS Trần Đình Thiên
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên đã chỉ ra những nghịch lý khiến quá trình phát triển kinh tế chưa như mong muốn. Theo đó, đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công dù được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm khi mới đạt 39,6% kế hoạch. Bên cạnh đó, với kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5%, thua xa cùng kỳ và cách xa mục tiêu cả năm là tăng 14% dù Ngân hàng Nhà nước dũng cảm "ngược chiều" xu hướng điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn để vực dậy nền kinh tế.
Rõ ràng, mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thực sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn. Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên bất động hóa các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn?
Vì vậy, với việc khơi thông những điểm nghẽn cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 98, hy vọng sẽ là động lực cho đầu tàu kinh tế phát triển, tạo động lực cho cả vùng miền Tây và đông Nam bộ.