CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỀ NGUỒN LỰC CHO NGÀNH DỆT MAY CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT BỀN VỮNG

19/09/2023

Hiện ngành dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng suy giảm. Trao đổi bền lề Diễn đàn Kinh tế -Xã hội 2022, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn dệt may Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về nguồn lực cho ngành dệt may chuyển đổi sản xuất bền vững, để nâng cao năng lực cạnh tranh

PHÁT BIỂU ĐỀ DẪN CỦA GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGUYỄN XUÂN THẮNG TẠI DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2023

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 19/9: KHAI MẠC DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2023

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết những khó khăn của ngành dệt may hiện nay và dự báo tăng trưởng của Ngành trong năm 2024?

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam: Trên thực tế trong 7 tháng năm 2023, tăng trưởng ngành dệt may giảm 16%, tính chung 8 tháng giảm 15%; So với mức giảm tổng cầu chung của thế giới chỉ trên 10% thì mức giảm của Việt Nam cao hơn mức trung bình chung.

Lý do khách quan là do thị trường trọng điểm của chúng ta Mỹ, chiếm đến 50% kim nghạch xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh nên tăng trưởng của ngành dệt may của Việt Nam cũng giảm mạnh.

Bên cạnh còn những yếu tố do tổng cầu thấp, nhưng gía bán/ sản phẩm chúng ta vẫn cao so với một số nước có thế mạnh về sản phẩm dệt may nên khả năng tiếp cận với tất cả khách hàng của hàng dệt may Việt Nam thấp hơn một số nước. Trong khi hiện những mặt hàng cao cấp, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có xu thế giảm về số lượng do đây la những mặt hàng cao cấp không mang tính thiết yếu, chỉ là nhu cầu thoả mãn điều kiện của cá nhân ở các Quốc gia phát triển mặt hàng này, nên tốc độ giảm sản lượng rất lớn. Đây là giai đoạn rất khó khăn và chưa có tiền lệ với ngành dệt may.

Phóng viên: Trong xu hướng đẩy nhanh tốc độ xanh hóa-số hóa đang trở thành mục tiêu của ngành dệt may để tìm kiếm đơn hàng. Điều đó, buộc các doanh nghiệp dệt may phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Vậy từ phía doanh nghiệp ông có kiến nghị gì?

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam: Có thể nói trong xu thế trong giai đoạn trung và dài hạn, thế giới hướng tới một cam kết về kinh tế xanh hơn, tuần hoàn hơn, giảm thiểu phát thải. Đây đã trở thành cam kết chính trị giữa các quốc gia. Theo đó là định hướng các hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Hiện nay, Châu Âu đang tiến hành áp dụng các mức thuế môi trường đối với sản phẩm hàng hoá nhập khẩu vào EU và sản phẩm dệt may cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Điều đó, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải có tính toán, bước đi để cân đối giữa đầu tư, đổi mới thiết bị, đầu tư mở rộng và chuẩn bị giải pháp ứng phó với thị trường đàng còn nhiều khó khăn

Về giải pháp lâu dài đối với ngành dệt may, rõ ràng các doanh nghiệp dệt may phải đẩy nhanh tốc độ xanh hóa - số hóa để tìm kiếm đơn hàng. Song việc chuyển đổi này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguồn lực và con người. Do vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những điều kiện cụ thể, để có bước đi phù hợp.

Đối với Tập đoàn dệt may Việt Nam, chúng tôi tập trung các giải pháp để vượt qua khó khăn, như đẩy mạnh công tác dự báo thị trường; đưa ra định hướng để các đơn vị chủ động lên kế hoạch sản xuất; ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi; tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp.

Cùng với đó, Tập đoàn sẽ tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn để bắt nhịp xu thế phát triển bền vững hiện nay. Phía doanh nghiệp dệt may cũng mong muốn cần có chính sách ưu đãi về nguồn lực cho ngành dệt may chuyển đổi sản xuất bền vững - hướng phát triển tất yếu trong những năm tới. Hiện nay dư nợ dành cho ngành dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng. Chúng tôi cũng mong muốn ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế để hỗ trợ tốt hơn cho ngành dệt may.

Kinh nghiệm của Bangladesh cho thấy, quốc gia này khẩn trương thực hiện chiến lược “xanh hóa” dệt may thông qua chính sách hỗ trợ tín dụng để đến nay nhiều nhà máy ở đây đã đáp ứng được tiêu chuẩn xanh. Điều này đồng nghĩa với việc Bangladesh khai thác rất tốt cơ hội thị trường, tăng trưởng đơn hàng.

Phóng viên: xin cảm ơn ông!

 

Hải Yến