HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9: HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI/NGHỊ VIỆN VỪA TRONG XU THẾ TẤT YẾU VỪA THÚC ĐẨY CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

15/09/2023

Ngày 15/9, tại Thủ đô Hà Nội, ngay sau lễ khai mạc, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã tiến hành phiên thảo luận chuyên đề về Chuyển đổi số. Tại phiên thảo luận, các đại biểu/nghị sĩ trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới đánh giá cao chủ đề thảo luận tại hội nghị do Việt Nam lựa chọn và cho rằng yếu tố nền tảng cho chuyển đổi số là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, do đó vai trò của Quốc hội/Nghị viện là rất quan trọng. Cùng với đó, trong chính hoạt động của Quốc hội/Nghị viện cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu của chuyển đổi số.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP TRƯA 15/9: PHIÊN THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ 1 – CHUYỂN ĐỔI SỐ

Phiên thảo luận chuyên đề về Chuyển đổi số tập trung vào các nội dung về hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị của nước chủ nhà Việt Nam và tán thành với việc lựa chọn chủ đề tại Hội nghị lần này, đồng thời kỳ vọng rằng nhiều giải pháp sẽ được đưa ra để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường sự tham gia của thanh niên.

Các đại biểu đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số, kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, đảm bảo phát triển bền vững.

Đại diện Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, ngày nay, mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.

Theo đó, yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, sự thành công, phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. 

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp. Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia. Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, chuyển đổi số trong các hoạt động nghị viện cũng không tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm hỗ trợ và nâng cao các hoạt động của Quốc hội, xây dựng, phát triển các nền tảng số, công cụ số hỗ trợ toàn diện hoạt động nghị viện, tăng cường, nâng cao nhận thức của các nghị sỹ về lợi ích và tác động của các công nghệ mới đối với mọi mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội.

Đại biểu Đoàn Uruguay

Có cùng quan điểm về chuyển đổi số trong các hoạt động của nghị viện, đề cao vai trò của ứng dụng công nghệ trong hoạt động lập pháp, nghị sĩ Walter Cervini từ Nghị viện Uruguay nhấn mạnh, công nghệ đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các mô hình, khuôn khổ khái niệm và phương pháp phù hợp để giải quyết vấn đề. Để các cơ quan ra quyết định ứng phó với sự biến đổi nhanh chóng này một cách hiệu quả cần có “dự đoán chính sách” hiệu quả. Nghị viện có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm rằng hoạt động quản trị mang tính dự đoán được áp dụng trong toàn bộ cơ cấu quản trị của nghị viện, trong đó, việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình dự đoán chính sách. Nêu rõ, sự chuẩn bị trước của nghị viện trong việc “đưa tương lai” vào hiện tại rất cần tới công nghệ bởi khoa học công nghệ cho phép việc hoạch định chính sách dựa trên thông tin đầy đủ và thực tiễn, cho dù đó là về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển hay giải quyết xung đột, và những chính sách phải thực sự đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

Trong phát biểu ghi hình gửi tới Hội nghị, thành viên Nghị viện châu Âu Brando Benifei cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, ông là báo cáo viên về trí tuệ nhân tạo của Nghị viện châu Âu. Đạo luật về trí tuệ nhân tạo là nỗ lực đầu tiên trên thế giới trong việc định hướng tác động của trí tuệ nhân tạo đối với mọi mặt đời sống. Hiện nay, các quốc gia thuộc Nghị viện châu Âu đang thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến đạo luật, tập hợp những cách làm tốt đã có trong thực tiễn để giảm thiểu các rủi ro. Nghị viện châu Âu muốn đưa những bài học kinh nghiệm thành quy định pháp luật, hướng đến việc bảo vệ người dân, người lao động trước vấn nạn lạm dụng thông tin bằng trí tuệ nhân tạo.

Thành viên Nghị viện châu Âu Brando Benifei phát biểu ghi hình

Tuy mỗi người, mỗi nước đều có góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau, nhưng cần thiết tạo ra một ngôn ngữ chung, hiểu biết chung trong vấn đề trí tuệ nhân tạo, để có những quy định nhất quán về vấn đề này, từ đó các nước có thể cùng nhau đối phó các thách thức pháp lý mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra.

Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc nêu rõ, chuyển đổi số phải nằm trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ có công nghệ mà cả trong đời sống xã hội, kinh doanh và xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển và đưa ra dự báo trong tương lai. Bên cạnh đó, trong quá trình này cũng đối mặt với những thách thức mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…Do đó, Hàn Quốc đã thông qua luật về Luật trí thuệ nhân tạo và robot để làm khung khổ cho lĩnh vực này.

Đại biểu Đoàn Nghị sĩ trẻ Hàn Quốc

Tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, robot, trí tuệ nhân tạo, Hàn Quốc nhận thấy cần phải có được trách nhiệm giải trình lớn hơn, nhất là trước những quan ngại về an toàn của robot hay ứng dụng công nghệ AI như xe tự lái…Do đó cần có quy định pháp luật, thiết lập khuôn khổ pháp lý phù hợp để giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực này.

Nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ số là không giới hạn và vai trò của hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đại biểu Hàn Quốc cho rằng các nghị sĩ trẻ cần linh hoạt hơn áp dụng công nghệ số, xã hội số để có các quy định phù hợp trong luật. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của các nghị sĩ với hiện tại và tương lai.

Cho biết Indonesia là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, đại biểu Đoàn Nghị sĩ trẻ Indonesia cũng cho rằng trong quá trình đó Indonesia vẫn cần có những động thái để đảm bảo cho người dân nhất là thanh niên và người dân ở nông thôn tiếp cận được với công nghệ số, dịch vụ số và thực sự hưởng lợi từ các dịch vụ này.

Đại biểu Đoàn Nghị sĩ trẻ Indonesia

Khẳng định thanh niên đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của Indonesia nhất là thế hệ genY và genZ, đại biểu của Indonesia cho rằng cần phải chú trọng đào tạo về công nghệ số, để có thêm nguồn nhân lực cho nền kinh tế số bởi nhu cầu là rất lớn. Cùng với đó là thách thức về khả năng tiếp cận Internet, kết nối của người dân. Do đó theo đại biểu Indonesia, các Quốc hội cần phải hỗ trợ cho chương trình nghị sự số thông qua hoàn thiện khung khổ pháp lý cho nền kinh tế số, cải thiện cơ sở hạ tầng số trong đó có phân bổ ngân sách.

Chia sẻ kinh nghiệm của Indonesia, đại biểu Indonesia cho biết, Indonesia có các đạo luật cho chuyển đối số, công nghệ số quy đó quy định về mở rộng băng thông rộng, bảo vệ lợi ích công và quyền lợi chính đáng của người dân, người lao động, doanh nghiệp, tăng cường kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số. Indonesia cũng có các chiến lược cụ thể như về phát triển cơ sở hạ tầng số vững mạnh, tăng cường năng lực số, tăng trưởng bền vững…để từ đó dần chuyển Indonesia là nước “tiêu thụ số” trở thành nước “tạo ra nội dung số”.

Bảo Yến