Thông báo số 154/TB-BCĐ ngày 8/9/2023 nêu rõ: ngày 31/8/2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử (Ban chỉ đạo) chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban chỉ đạo. Tham dự Phiên họp có Thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, các đồng chí Trợ lý, Thư ký lãnh đạo Ban chỉ đạo và Thường trực Tổ giúp việc.
Sau khi nghe Văn phòng Quốc hội báo cáo kết quả triển khai xây dựng Đề cương Đề án Quốc hội điện tử (Đề án) và một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin thành phần thuộc Đề án, dự kiến nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; ý kiến phát biểu của thành viên Ban chỉ đạo, đại biểu tham dự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng ban Chỉ đạo đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực của Văn phòng Quốc hội trong thời gian qua, mặc dù khối lượng công việc nhiều, nhưng đã tích cực, chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo tổ chức thành công Hội thảo về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử; hoàn thiện báo cáo tổng hợp, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo, xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo Ban chỉ đạo, tiếp thu và gửi xin ý kiến Ban chỉ đạo tại Phiên họp thứ ba.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử phát biểu tại Phiên họp.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Quốc hội điện tử, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Văn phòng Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Ban chỉ đạo để hoàn thiện Dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt lưu ý các nội dung của Đề án phải gắn với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Chủ động nghiên cứu, lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Quốc hội điện tử theo đúng quy định để sẵn sàng triển khai ngay sau khi Đề cương Đề án được cấp có thầm quyền đồng ý.
Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện Đề án. Nghiên cứu kế hoạch triển khai hợp tác với Quốc hội Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước có chương trình hợp tác với Quốc hội Việt Nam thông qua các Bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác của Lãnh đạo Quốc hội tại các chuyến thăm, trao đổi, làm việc trong việc hỗ trợ xây dựng Quốc hội điện tử hướng đến Quốc hội số của Việt Nam.
Triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn về các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, các nội dung cụ thể có liên quan đến trang thiết bị trả Công ty AIC và đảm bảo phục vụ các sự kiện lớn của Quốc hội trong những tháng cuối năm. Nghiên cứu vận hành phần mềm xử lý đơn thư.
Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin liên kết đến các cơ sở dữ liệu, thông tin của các cơ quan bộ, ngành để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Quốc hội, cung cấp thông tin cho các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để hỗ trợ công tác thẩm tra, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chú ý công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, xây dựng cơ chế sao lưu, dự phòng rủi ro khi có sự cố.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan thẩm tra, đánh giá Đề cương Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 9/2023.
Đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chỉ đạo việc thẩm tra, đánh giá dự thảo Đề cương Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền.