Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.... Trước thực tế đó, đòi hỏi phải sớm có các giải pháp đồng bộ ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây đã phần nào giúp doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn, nhưng chưa thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam đang có sự suy giảm qua các thập kỉ (từ 7,6% trong giai đoạn 1991–2000, xuống còn 7,2% trong giai đoạn 2001–2010, và 6,0% trong giai đoạn 2011–2020) do thiên về các chính sách quản trị tổng cầu mà thiếu những động lực thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong dài hạn. Bên cạnh đó, những diễn biến gần gây cho thấy tốc độ tăng trưởng này còn trở lên bất ổn hơn do tác động của đại dịch Covid-19 và những hậu quả đi kèm sau đó.
Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 3,72%, với quý 2 hồi phục nhẹ so với quý 1, nhưng vẫn ở dưới xa so với con số mục tiêu 6,5% của Chính phủ. Trong đó, ngoại trừ khu vực nông, lâm, thủy sản có sự tăng trưởng ấn tượng, các khu vực chiếm tỷ trọng lớn khác, đặc biệt là công nghiệp và xây dựng, đang có mức tăng trưởng ở dưới xa so với con số trung bình của 5 năm trước đại dịch. Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của các ngành, có thể thấy sự hồi phục tăng trưởng GDP trong Q2 so với Q1 chủ yếu là nhờ sự cải thiện đáng kể của các ngành sản xuất & phân phối điện, khí, nước (do thời tiết nóng) và ngành xây dựng (có sự đóng góp lớn của giải ngân đầu tư công). Trong khi đó, nhiều ngành quan trọng như công nghiệp chế biến chế tạo (liên quan đến xuất khẩu hoặc thị trường bất động sản trong nước) tiếp tục gặp áp lực lớn khi hầu như không có tăng trưởng. Dịch vụ lưu trú và ăn uống không còn đột biến như trong Q1. Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng trưởng chậm lại trong khi ngành kinh doanh bất động sản thậm chí còn tăng trưởng âm.
Tình hình kinh tế ảm đạm còn được khẳng định thông qua một loạt các thống kê quan trọng khác như chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất chế biến chế tạo có 8 trong 9 tháng gần đây ở dưới ngưỡng trung lập 50 điểm, thể hiện triển vọng tiêu cực của ngành này; chỉ số tồn kho trong ngành tính tới cuối Quý 2 cũng tăng hơn 20% so với cùng kỳ; tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao hơn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Thế Anh còn cho biết, các thành phần tổng cầu đều suy yếu. Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam chứng kiến cả ba thành phần của tổng cầu (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) đều suy yếu. Tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản chỉ tăng lần lượt 2,68% và 1,15%, trong khi xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thậm chí còn giảm tới 10%. Mặt khác, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,2%. Như vậy, xét về cầu cuối cùng, đóng góp vào tăng trưởng trong nửa đầu năm chủ yếu là nhờ sự sụt giảm của nhập khẩu.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Nếu nhìn từ phía cầu sản phẩm theo giá hiện hành chúng ta cũng thấy có xu thế tăng chậm lại hoặc giảm sút. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Q1 tăng 13,9%, nhưng 6 tháng chỉ còn tăng 10,9%, 8 tháng tăng 10%. Nhu cầu tiêu dùng giảm chủ yếu là do thu nhập của người dân giảm sút, môi trường lãi suất cao, và các thị trường tài sản (đặc biệt là bất động sản) đóng băng.
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội mặc dù được hỗ trợ khá lớn bởi đầu tư nhà nước nhưng chỉ tăng khiêm tốn ở mức 4,7% trong 6 tháng đầu năm. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã có sự cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây nhờ những nỗ lực thúc đẩy của Chính phủ nhưng vẫn còn dưới xa mức kế hoạch, chỉ đạt khoảng 49,4% so với kế hoạch tính đến hết Tháng 8/2023 do vướng thủ tục pháp lý, thiếu động lực, hạn chế nguồn cung nguyên vật liệu.
Đặc biệt, đầu tư tư nhân tăng rất chậm khoảng 2,1% trong nửa đầu năm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng hay phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin vào triển vọng kinh tế trong tương lai giảm sút. Tương tự như vậy, đầu tư nước ngoài, ngoại trừ năm 2022 hồi phục từ nền thấp, hầu như không có sự thay đổi trong mấy năm qua do sự khó khăn chung của của kinh tế thế giới. Tính đến cuối tháng 8, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam giảm 8,2% trong khi tổng vốn thực hiện tăng nhẹ 1,3%.
Tác động của suy giảm kinh tế thế giới đã lấn át những lợi thế thương mại mà Việt Nam có được sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây. Sau nhiều năm, lần đầu tiên thương mại hàng hóa của Việt Nam đã liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng âm. Mặc dù đã hồi phục nhẹ từ quý 2, nhưng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lũy kế ước tính đến hết tháng 8/2023 vẫn giảm ở mức hai con số, lần lượt khoảng 10% và 16,2%. Điều tích cực là Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại hàng hóa khá lớn, lên tới gần 20,2 tỉ đô trong 8 tháng đầu năm. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,83 triệu người, tăng hơn 5,4 lần so với cùng kì, nhưng chỉ bằng 69% so với năm 2019 trước đại dịch.