NÂNG CAO HIỆU QUẢ XỬ LÝ CÁC VỤ ÁN, VỤ VIỆC THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ

10/09/2023

Quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; chú trọng thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS. Trần Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, để nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ cần áp dụng đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, coi trọng công tác nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cần nắm vững, phân tích sâu sắc về từng yếu tố cơ bản của vụ án, vụ việc, như thời gian, địa điểm, con người, sự việc liên quan, diễn biến, nguyên nhân, tính chất, mức độ hậu quả thiệt hại, nội dung phạm tội, vi phạm pháp luật cụ thể...; nắm chắc, suy xét tỉ mỉ về cơ quan, cấp đang thụ lý giải quyết vụ án, vụ việc; diện đối tượng bị xử lý, hình thức xử lý; đặc điểm nhân thân đối tượng bị xử lý; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án, vụ việc; tiến độ, kết quả giải quyết, xử lý; quan điểm xử lý của các cơ quan chức năng, quan điểm chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền và kết quả thực hiện.

Hiện nay, việc quản lý, lưu trữ, trích xuất các thông tin, dữ liệu liên quan phục vụ chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc ở một số nơi còn áp dụng thủ công, trong khi số lượng và dữ liệu về vụ án, vụ việc thuộc diện xử lý tương đối lớn, nhiều vụ án, vụ việc xảy ra kéo dài trong nhiều năm, liên quan đến hàng chục, hàng trăm đối tượng... Do vậy, cần sớm ứng dụng những Ưu thế, thành tựu của công nghệ số hiện đại phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc một cách có hệ thống, khoa học, hiệu quả, thuận tiện cho việc thống kê, tra cứu, thẩm định, cung cấp dữ liệu khi cần thiết cho cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền đưa ra sự chỉ đạo kịp thời, tập trung, thống nhất.

Hai là, chú trọng thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Trọng tâm là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... và nhiều cơ quan, tổ chức khác. Cụ thể, Quyết định số 254-QĐ/TW, Quyết định số 255-QĐ/TW, Quyết định số 256-QĐ/TW ngày 05/9/2014 của Ban Bí thư ban hành các Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; Quyết định số 243-QĐ/TW ngày 04/6/2014 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác nội chính phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng...

Phối hợp tốt để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực thi nhiệm vụ; việc chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật khi phát hiện được các dấu hiệu phạm tội qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án; việc thực hiện chế' độ báo cáo và chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp tốt sẽ giúp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế' nghiêm trọng, phức tạp và thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế' lực thù địch, cũng như xử lý việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu đến chính trị, ngoại giao...

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, là “tai, mắt” của Đảng về lĩnh vực này”, là người “gác gôn” cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng”. Đặc biệt là phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao”; “luôn nêu cao ý thức tự giác, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, gương mẫu, công tâm, khách quan, thực sự là những “Bao Công” trong thời đại mới”

Đồng thời, quan tâm trang bị các nội dung vừa có tính hệ thống, vừa rất cơ bản đòi hỏi cán bộ làm công tác tham mưu phải nắm vững mới có thể tiến hành tham mưu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc; phạm vi, đối tượng, chủ thể, nguyên tắc tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc; diện các vụ án, vụ việc cần tham mưu chỉ đạo xử lý; nội dung, hình thức, phương pháp, quy trình tham mưu; hồ sơ tham mưu chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc.

Bên cạnh đó, cần mở rộng các hoạt động phổ biến, quán triệt các văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định, định giá, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, cơ chế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố' tụng; các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thanh tra; Luật Kiểm toán Nhà nước; Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Giá; Luật Đấu giá tài sản... và một số văn bản pháp luật có liên quan.

Bốn là, tăng cường sơ kết, tổng kết thực tiễn xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Các vụ việc, vụ án xảy ra trong thực tiễn rất đa dạng và thường rất nhạy cảm, phức tạp, mặc dù vậy, với quyết tâm, bản lĩnh, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, ngành Nội chính đảng vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, từ đó cũng đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay.

Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tổng kết chuyên đề tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, việc xử lý, giải quyết gặp nhiều khó khăn, giữa các cơ quan chức năng có nhiều quan điểm chưa thống nhất... Trên cơ sở đó, đúc rút thành những vấn đề lý luận khoa học, có tính chỉ dẫn cho các hoạt động thực tiễn và tham mưu xây dựng, bổ sung thành các cơ chế, văn bản của lãnh đạo cấp có thẩm quyền để thực hiện thống nhất trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Minh Hùng