HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH CHUNG VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ, HƯỚNG ĐẾN LỢI ÍCH CỦA TOÀN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

08/09/2023

Vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế vùng là một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhất là trong quá trình chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2023 sắp tới. Quan tâm đến việc phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một số chuyên gia đề nghị cần tiếp tục hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển đồng bộ, hướng đến lợi ích của toàn Vùng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giảng viên Nguyễn Thanh Hải, Trường Đại học Tài chính cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước tác động của biến đổi khí hậu, như: triều cường, hạn mặn, sạt lở. Ngoài ra, các hoạt động phát triển thủy điện, khai thác tài nguyên với cường độ cao ở thượng nguồn sông Mê Kông khiến Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi cơ chế điều phôi tiểu vùng còn nhiều bất cập.

Cơ chế liên kết vùng vẫn còn khó khăn do một số địa phương gặp phải vấn đề “xung đột lợi ích”, địa phương nào cũng muốn bứt phá, nên xảy ra tình trạng cạnh tranh với nhau. Mặc dù Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được thành lập, nhưng thể chế của Hội đồng Điều phôi vẫn chưa được đề cập trong văn bản quy phạm pháp luật, nên rất khó thực hiện các chủ trương của Hội đồng. Mặt khác, Đồng bằng sông cửu Long còn thiếu những doanh nghiệp lớn để cùng với chính quyền đầu tư, xây dựng những dự án lớn, tầm cỡ.

Nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến về vấn đề phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá. Tư duy phát triển thuận thiên, theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn lúng túng. Các dự án hạ tầng còn thiếu kết nối đồng bộ, đa mục tiêu để tạo ra động lực phát triển thị trường hàng hóa. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp cận các kịch bản biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, cập nhật thông tin về môi trường, nguồn nước... phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản còn rất thấp, nhất là đối với người dân trong Vùng.

Đề xuất một số giải pháp về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần chú trọng những nhóm vấn đề chính sau:

Một là, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển bền vững Đồng bằng sông cửu Long, nhất là Quy hoạch vùng đồng bằng sông cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành kèm Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành kèm Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ).

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông cửu Long với sự tham gia tích cực hiệu quả của các địa phương trong Vùng. 13 tỉnh Đồng bằng sông cửu Long cần nhìn về một hướng, với nhận thức chung, mục tiêu chung, từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau theo phương châm “muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Các địa phương trong Vùng cũng cần tăng cường liên kết mạnh mẽ với vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần bền vững, gắn bó hữu cơ, cùng phát triển.

Hai là, đa dạng hóa nguồn tài chính đầu tư và đẩy mạnh hợp tác quốc tế cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Trong đó, cần tăng cường thu hút FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động. Ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Thu hút FDI cần phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, thu hút FDI cũng phải phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đôi với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, việc thu hút FDI cần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.

Ba là, chú trọng phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại bởi sự phát triển nông nghiệp sẽ tận dụng được tài nguyên sẵn có, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc kiểm soát nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ. Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến). Đây là một không gian phát triển mới cần được quan tâm đầu tư để Đồng bằng sông cửu Long thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.

Để xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại và kinh tế biển, trước hết cần phải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ. Dù phân chia theo địa giới hành chính, song cần xem đây là một khu vực có câu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển cho đồng bộ, nhắm đến lợi ích của toàn Vùng. Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về mặt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực, mà còn làm tăng tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Hồ Hương

Các bài viết khác