KHÔNG ĐỂ NỢ ĐỌNG, CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT CẢN TRỞ CHÍNH SÁCH ĐẾN VỚI NGƯỜI DÂN

08/09/2023

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, một trong những tồn tại được chỉ rõ là tình trạng tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Theo ý kiến một số đại biểu, chuyên gia, cần có giải pháp quyết liệt, không để tồn tại này làm giảm hiệu quả thực thi chính sách, cản trở quá trình chính sách đến với người dân...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 06/9: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Kết quả, tính đến ngày 15/8/2023, số văn bản đã được ban hành là 37 văn bản, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành. Trong số 37 văn bản được ban hành, có 09/37 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Đối với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết chuẩn bị có hiệu lực, các bộ có nhiệm vụ phải ban hành hoặc trình ban hành 41 văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ 01/01/2024 và Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 01/01/2028.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5

Đánh giá về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể: tính đến ngày 23/8/2023, đối với các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 08 tháng đến 1,5 năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn đang “nợ” 02 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời, đối với 02 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 (Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh), phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay chưa có văn bản nào được ban hành. Chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; vẫn còn tình trạng sử dụng hình thức văn bản hành chính để quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật...

Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Theo đó, trước mắt cần tập trung chỉ đạo soạn thảo để ban hành 13 văn bản  quy định chi tiết thi hành 08 luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật còn nợ đọng, 39 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh, 07 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đấu thầu sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024; nâng cao chất lượng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản do Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương ban hành.

Các vị đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Đồng thời với những giải pháp được đề ra tại Hội nghị nhằm khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng, tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chính là một kênh để đại biểu Quốc hội đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ ngành. Đây cũng có thể coi là tiêu chí để khi tiến hành lấy phiếu tính nhiệm để đại biểu căn cứ Chính phủ và các bộ có hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính phủ cũng cần thông tin rõ từ đầu nhiệm kỳ, mỗi bộ ngành được Chính phủ giao ban hành bao nhiêu văn bản hướng dẫn thi hành để đại biểu đánh giá chất lượng, hiệu quả.

Nêu giải pháp, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ kiến nghị cần quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu nếu để chậm trễ trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, theo quy định, khi ban hành luật thì đồng thời nghị định, thông tư cũng phải ban hành. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng luật được thông qua nhưng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành chưa được ban hành. Điều này gây lãng phí lớn, bởi luật không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi pháp luật.

Vì vậy, PGS. TS Bùi Thị An Quốc hội khóa XIV kiến nghị, khi Chính phủ trình dự thảo luật phải tuân thủ nghiêm quy định trình kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành. Chính phủ nên coi việc ban hành các văn bản chi tiết thi hành luật của các bộ, ngành là mục tiêu, là một trong những tiêu chí trong công tác thi đua, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Nhấn mạnh tình trạng chậm và nợ văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điều này gây khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Quan tâm tới những giải pháp trọng tâm mang tính đột phá để khắc phục triệt để tình trạng này trong thời gian tới, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị, cần chú trọng bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong soạn thảo, ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre lưu ý, việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng trong thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng. Chưa kể đến việc, ở cấp cơ sở phải đối mặt với nhiều bất cập trong thực tiễn, khó trong bố trí nguồn lực để thực thi. Mặc dù khó có thể cân, đong, đo, đếm được những trở ngại từ nợ, chậm ban hành văn bản trong thời gian qua, nhưng qua đó có thể cho thấy rằng hệ thống văn bản chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm cản trở con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân.

Do đó, theo đại biểu cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn./.

Lê Anh

Các bài viết khác