ĐỔI MỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ

08/09/2023

Xác định “việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, thời gian qua bên cạnh việc đổi mới phương thức, hình thức giám sát,… công tác bảo đảm hoạt động giám sát, cũng như công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được quan tâm, chú trọng.

LAN TỎA TINH THẦN ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TỚI HĐND CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Quốc hội khóa XV

Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tích cực. Theo đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được triển khai khoa học, chuyên nghiệp, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực.

Thông qua hoạt động giám sát, đã chỉ kịp thời ra được những vấn đề bất cập của chính sách, pháp luật, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi, đồng thời đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, những giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, làm cơ sở cho việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Để đạt được những kết quả như trên, bên cạnh việc tập trung đổi mới phương thức, hình thức giám sát,… công tác đảm bảo hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, bộ máy nhân sự theo dõi về hoạt động giám sát được tổ chức có hệ thống; tạo sự liên thông, thống nhất, đồng bộ trong tổ chức và hoạt động. Đã từng bước kiện toàn và phát huy vai trò của đơn vị đầu mối tham mưu, giúp lãnh đạo Văn phòng Quốc hội phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Quốc hội đối với hoạt động giám sát; phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thông qua các hoạt động thiết thực như tổ chức hội nghị tập huấn, biên soạn sách, tập san chuyên đề về kỹ năng giám sát,… do Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Hội đồng Dân tộc,... phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đã góp phần quan trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng giám sát của đại biểu Quốc hội, cũng như kỹ năng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của cán bộ, chuyên viên.

Hội nghị tập huấn kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hoạt động giám sát của đại biểu dân cử người dân tộc thiểu số

Bên cạnh đó, công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội dưới các hình thức như: chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phiên họp giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội; giám sát Chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,… đã được triển khai thực hiện thường xuyên, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước.

Thời gian qua, thông qua công tác tuyền truyền về hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đã góp phần phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội và người dân tới diễn đàn Quốc hội. Từ đó, tạo hiệu ứng tích cực, sự ủng hộ của Nhân dân đối với các quyết sách của Quốc hội và tạo sự đồng thuận, ổn định xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Góp ý tại các hội thảo, tọa đàm nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm hoạt động giám sát thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tin thông tin báo chí về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước; góp phần bảo đảm nguyên tắc hoạt động công khai của Quốc hội,…

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Cơ sở dữ liệu này sẽ được chia sẻ, liên kết với cơ sở dữ liệu về công tác giám sát (nếu có) của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giúp cho việc lưu trữ và cung cấp các văn bản, tài liệu có liên quan đến các nội dung giám sát. Cơ sở dữ liệu này còn giúp phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát, tránh chồng chéo, trùng lắp thời gian…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng kiến nghị cần tăng cường các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện bảo đảm phục vụ hoạt động giám sát; cần có quy định đảm bảo điều kiện về nguồn lực, nhất là cơ chế tài chính để Đoàn đại biểu Quốc hội mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, lĩnh vực giám sát nhằm hỗ trợ, tư vấn cho đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát khi triển khai thực hiện tại địa phương./.

Lê Anh

Các bài viết khác