SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: LÀM RÕ TIÊU CHÍ NGƯỜI CÓ ĐẤT BỊ THU HỒI CÓ CUỘC SỐNG BẰNG HOẶC TỐT HƠN NƠI Ở CŨ
Dự kiến Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế -xã hội. Do đó, trong quá trình xây dựng, dự thảo Luật đã nhận được ý kiến của hơn 12 triệu góp ý của Nhân dân và đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 10/2022); kỳ họp thứ 4 (tháng 05/2023); Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (8/2023). Hiện nay, quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng dự luật trước khi thông qua.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại Điều 79 Dự thảo đã tiếp thu phần nào ý kiến của người dân về việc xác định các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cụ thể: thay vì đưa ra khái niệm rất mơ hồ về “Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” tại Điều 78 Dự thảo ngày 5/1/2023 thì tại Dự thảo hiện nay đã bỏ khái niệm trên và xác định mục đích như sau “Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hoá” và phân tách cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Xây dựng công trình công cộng, công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp và công trình cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật (công trình hạ tầng kỹ thuật); Xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, cùng với những trường hợp liệt kê thu hồi đất bắt buộc theo Điều 79, đề nghị cũng cần liệt kê cụ thể các trường hợp phải thực hiện thỏa thuận theo Điều 127. Đồng thời, ngoài trường hợp phải thỏa thuận thì cần bổ sung nguyên tắc trong thu hồi đất bắt buộc phải có phương pháp về điều chỉnh lại đất đai.
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ, điều chỉnh lại đất đai là chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 18 và được quy định tại Điều 219 của dự thảo luật. Đây là phương thức sắp xếp lại đất đai trong một khu vực nhất định, dựa trên sự đồng thuận của người sử dụng đất để điều chỉnh lại đất đai.
Nhấn mạnh, đây là nội dung rất mới của Dự thảo luật so với các đạo luật đất đai trước đây, tại Việt Nam một phần của cơ chế để dịch chuyển đất đai đã được áp dụng trên thực tế như là vận động hiến đất làm đường, các khu đô thị, khu dân cư nông thôn cũng như việc khuyến khích việc dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, cơ chế pháp lý chưa thực sự rõ ràng sẽ khó thúc đẩy được việc chỉnh trang, tái thiết đô thị cũng như hỗ trợ thực hiện các cánh đồng mẫu lớn nếu chỉ là khuyến khích. Vì vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, luật hóa quy định về điều chỉnh lại đất đai là một nội dung rất quan trọng cần phải được bổ sung trong trường hợp đồng thuận theo đa số và đặt dưới nguyên tắc thu hồi đất để có thể kết nối với các nội dung khác của luật, không chỉ là một điều độc lập chỉ mang tính khuyến khích.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trường Đại học Luật Hà Nội
Quan tâm tới quy định này tại dự thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, mặc dù quy định tại dự thảo tiếp thu, chỉnh lý đã đã có nhiều sửa đổi so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, tuy nhiên khi xem xét về các trường hợp thu hồi đất tại Điều 79 đề nghị cần tiếp tục làm rõ, chỉnh sửa một số nội dung sau:
Thứ nhất, Điều 79 Dự thảo mới chỉ dừng lại xác định mục đích khi sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cụ thể: “phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hoá”. Nhưng nếu cho rằng đây là cơ sở để phân biệt với các dự án phát triển kinh tế thuần tuý vì mục tiêu lợi nhuận thì chưa có cơ sở phù hợp, bởi một dự án phát triển kinh tế thuần tuý vì mục tiêu lợi nhuận có sử dụng đất cũng phát huy được các nguồn lực đất đai đang có, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra công ăn việc làm cho người dân và cũng tác động đến nền kinh tế nói chung. Hơn nữa, một câu hỏi đặt ra, nếu vẫn giữ nguyên quy định tại Điều 79 Dự thảo thì một dự án để thuộc trường hợp Điều 79 thì phải thoả mãn tất cả các mục đích như trên hay không?
Thứ hai, trường hợp thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp và công trình cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật (công trình hạ tầng kỹ thuật) (khoản 1 Điều 79 Dự thảo): Khoản 1 Điều 79 quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp và công trình cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật (công trình hạ tầng kỹ thuật), trong đó liệt kê chi tiết: công trình giao thông; công trình thuỷ lợi; công trình cấp nước, thoát nước; công trình xử lý chất thải rắn, công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; công trình dầu khí; công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; chợ dân sinh, chợ đầu mối; công trình tôn giáo; công trình tín ngưỡng; khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng.
Khi nghiên cứu kỹ quy định trên, PGS.TS Nguyễn Thị Nga cũng chỉ ra nhiều nội dung cần phải xem xét, trong đó lưu ý: Nội dung của khoản 1 Điều 79 Dự thảo đang có sự sao chép cơ học các loại công trình đã được pháp luật xây dựng quy định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật xây dựng. Tuy nhiên, Điều luật chưa làm rõ trong số các công trình nêu trên, công trình nào thuộc nhóm công trình công cộng, nhóm công trình nào sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp và công trình nào được xác định là công trình hạ tầng kỹ thuật. Điều này dẫn đến sự lộn xộn trong chính điều luật và chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật xây dựng./.