QUY ĐỊNH VỀ ĐẤT SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG CHO CỘNG ĐỒNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ: BƯỚC TIẾN TRONG SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

04/09/2023

Đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định về đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, một số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho rằng, đây là bước tiến trong lần sửa đổi luật này. Tuy vậy, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng để bảo đảm không gian văn hóa cho đồng bào các dân tộc.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 30/8: XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Quy định về đất sinh hoạt cộng đồng cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện từng vùng.

Khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số quy định: Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đánh giá cao ban soạn thảo đã đưa quy định về đất cộng đồng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đánh giá đây là một bước tiến trong dự thảo Luật Đất đai khi quy định đất cộng đồng trong dự thảo Luật Đất đai bởi các lý do: Đất cộng đồng là nơi bảo đảm không gian văn hóa và sinh tồn cho các dân tộc. Luật pháp của các nước đều quy định những nội dung này; trong mong muốn Hội đồng Dân tộc đây không chỉ là đất sinh hoạt cộng đồng, mà là đất dùng chung cộng đồng. Bởi trong truyền thống, đặc biệt các cộng đồng truyền thống có rất nhiều những phần đất chung cho các hoạt động kinh tế, văn hóa của họ nhưng hiện nay hệ thống pháp lý chưa bảo vệ quyền của cộng đồng và người dân đối với khoản đất này, dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm hay đất đai của đồng bào dân tộc bị xâm hại. Đây là điều khoản cần phải được xử lý trong lần sửa luật này, đặc biệt đề nghị bổ sung "đất sinh hoạt và đất dùng chung cộng đồng" trong dự thảo luật.

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị các cộng đồng truyền thống có đất dùng chung được quyền góp vốn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh để làm tăng hiệu quả kinh tế - xã hội đối với cộng đồng này, bởi vì họ không có nguồn thu nào khác từ những việc tham gia phát triển kinh tế và đóng góp từ nguồn đất dùng chung cộng đồng.

Cũng quan tâm đến chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại nội dung này với lý do các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khu vực vùng I, vùng II hoặc các vùng lân cận xã các khu vực vùng III rất khó khăn cho việc bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng. Đại biểu nêu thực tế hiện nay không chỉ ở Tây Nguyên mà các vùng khác, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần đất sinh hoạt cộng đồng Vì vậy, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi đối tượng hưởng từ chính sách này.

Rà soát để bảo đảm tính hợp hiến về thẩm quyền quyết định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về quy định liên quan đến đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã yêu cầu tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Trong Báo cáo của Chính phủ tổng hợp ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cho thấy rất nhiều ý kiến liên quan đến đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số được đề cập. Đại biểu đánh giá cao việc bổ sung trong dự thảo một số quy định liên quan đến đất đai cho đồng bào như tại khoản 3 Điều 79, Điều 112, Điều 150, đặc biệt dự thảo luật đã bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào Điều 11.

Tuy nhiên, đối với trường hợp cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất lần 2 thì Điều 48 dự thảo luật lại bó hẹp hơn luật hiện hành, cũng như bó hẹp hơn dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó những trường hợp này không được chuyển nhượng, kể cả sau thời hạn 10 năm, vì vậy đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của quy định này.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa khẳng định, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về tâm linh, cần phải quan tâm đến văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào khi đưa ra các quy định về đất đai. Do đó, đề nghị bổ sung nguyên tắc tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vào Điều 5 dự thảo luật làm cơ sở cho các chính sách quy định tại Điều 16. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 70 Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, trong khi đó khoản 6 Điều 16 lại giao Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về đất đai cho đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn. Khoản 9 Điều 16 lại giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Đại biểu đề nghị rà soát để bảo đảm tính hợp hiến về thẩm quyền quyết định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, vì đây là nội dung cơ bản của chính sách dân tộc.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông 

Về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị có quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi) về công tác quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường nói chung, công tác quản lý diện tích đất thu hồi từ các công ty nông lâm nói riêng.

Luật Đất đai năm 2013 và các luật chuyên ngành chưa thực sự đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với quy hoạch ngành, lĩnh vực dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho lĩnh vực thực hiện, đặc biệt là việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất áp dụng từ việc gia tăng dân số, đặc biệt là tình hình dân di cư không theo kế hoạch gia tăng nhanh và đời sống của người dân ven rừng còn nhiều khó khăn như ở Đắk Nông là một ví dụ.

Diện tích rừng thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý còn manh mún, liền kề với nương rẫy của người dân và chủ yếu là rừng gỗ nghèo, rừng lồ ô, tre nứa tái sinh dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ của địa phương. Việc giao đất cho các nông, lâm trường trước đây chưa được đo đạc rõ ràng để quản lý bằng bản đồ và lưu trữ đầy đủ. Nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ, có độ chính xác thấp, dẫn đến việc giao đất chồng lấn lên đất của một số tổ chức, cá nhân khác đang sử dụng. Quá trình lập hồ sơ, thủ tục thu hồi đất rừng chỉ thực hiện theo hồ sơ quản lý nên khi tiến hành điều tra hiện trạng nhiều diện tích rừng đã bị giảm từ nhiều năm trước đây, nếu không nói là chỉ còn hình thức trên giấy. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này và các văn bản hướng dẫn thi hành để có hướng giải quyết căn cơ cho vấn đề này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị nghiên cứu Điều 16, Điều 47 của dự thảo Luật Đất đai, bởi các chế tài để bảo đảm ngăn ngừa việc thiếu đất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tính đến. Trên thực tế xử lý được vấn đề thiếu đất của đồng bào rất ít, tổng kết trong vòng 10 năm vừa qua chỉ có được vài trăm trường hợp do vậy quy định rất nhiều điều khoản trong luật, nhưng tác động sẽ rất hạn chế do vậy cần nghiên cứu để quy định cho phù hợp với thực tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến chính sách đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tiếp thu ý kiến đại biểu nêu và sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét chính sách đất cho sinh hoạt cộng đồng. Bộ trưởng cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số có văn hóa rất đặc trưng, bản sắc và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số trở thành một hoạt động văn hóa, rất cần quỹ đất để đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt cộng đồng.

Đối với việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong lần tiếp thu, chỉnh sửa luật lần này, trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được quy định rõ trong dự thảo luật, trong đó có cả việc thu hồi đất nông, lâm trường, đất các tổ chức, đơn vị không hiệu quả và đất đai đảm bảo sản xuất nông nghiệp cũng như đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Về quy định khi giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số lần 2, dự thảo luật quy định một số điều cấm như cấm mua, cấm bán, cấm chuyển nhượng để đảm bảo sự công bằng của đồng bào dân tộc chưa được giao lần 1. “Thực tế, một số vùng khi giao đất, người dân dân lại bán dẫn tới thiếu quỹ đất sản xuất. Vì vậy, các quy định nghiêm cấm để tránh lợi dụng chichs sách, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu quan điểm.

Lan Hương

Các bài viết khác