HƯỚNG TỚI SỰ THỐNG NHẤT CAO TRONG DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI), DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, do đó, để tránh chồng chéo, xung đột, bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan xác định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như sau:
Một là, Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội về nhà ở đối với người dân, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Hai là, Chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật khác đang được sửa đổi cùng với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì chuyển sang dự thảo Luật đó điều chỉnh; trường hợp cần sửa luật có liên quan thì sửa đổi đồng bộ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ba là, Quy định cụ thể trong Luật những nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao; những nội dung chưa đủ chín hoặc có thay đổi theo sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội thì giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ cũng như sự ổn định của Luật.
Bốn là, Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương gắn với cơ chế tự chịu trách nhiệm; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở; thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu
Năm là, Thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với nội dung về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh (Mục 2 Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh như trong dự thảo Luật nhưng đề nghị quy định chặt chẽ hơn để tránh xung đột hoặc trùng lặp với các quy hoạch có liên quan; không quy định việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng về chương trình, kế hoạch này để tăng cường phân quyền cho địa phương. Một số ý kiến đề nghị không quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh mà tích hợp vào quy hoạch có liên quan.
Vấn đề này trong Thường trực Ủy ban Pháp luật còn có 02 loại ý kiến khác nhau như sau:
Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị chỉnh lý quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 theo hướng: Không quy định về việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để tăng cường phân quyền cho địa phương; Loại bỏ những nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có sự trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị để giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, không can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính.
Quang cảnh phiên họp
Cụ thể là chỉnh lý nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 27 của dự thảo Luật theo hướng thay nội dung: “Dự kiến tổng nhu cầu diện tích đất để phát triển nhà ở trên địa bàn, trong đó xác định rõ diện tích đất để phát triển các loại hình nhà ở theo dự án” bằng nội dung “Dự kiến diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, vì các dự án này do nguồn lực nhà nước đầu tư hoặc cần có sự quản lý chặt chẽ hơn của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội, đối với các dự án nhà ở thương mại sẽ do thị trường điều chỉnh; bỏ điểm c và điểm d khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 về danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự kiến nhu cầu diện tích đất trong kỳ kế hoạch để phát triển nhà ở trên địa bàn để tránh trùng lặp với nội dung các quy hoạch có liên quan như đã nêu ở trên.
Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị bỏ Mục 2 Chương III về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh duy trì các “quy hoạch con”, tạo thêm thủ tục, gánh nặng tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; việc phát triển nhà ở nên quản lý chung theo các quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện Dự thảo Luật đang được thể hiện theo Loại ý kiến thứ nhất.
Bàn về nội dung này, một số đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, cần sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 29 thành: “c) Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến danh mục các dự án phát triển nhà ở được đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng nguồn vốn khác (nếu có), trong đó có phân ra các loại hình phát triển nhà ở sẽ thực hiện trong kỳ kế hoạch”. Đề nghị nên lựa chọn phương án 1, tiếp tục quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh nhưng cần lược bỏ một số nội dung quy định tại Điều 29, Điều 31.
Có ý kiến đề xuất bỏ toàn bộ quy định về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hoặc chỉ giữ quy định khung về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, bỏ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở (lựa chọn phương án 2 được nêu trong dự thảo Luật Nhà ở là bỏ Mục 2 Chương III). Lý do: Khi đó, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở dù mang bản chất là công cụ quy hoạch nhưng không nằm trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Trong trường hợp, nếu UBND cấp tỉnh đã phê duyệt một đồ án quy hoạch khu đô thị nhưng sau đó không đồng ý đưa chỉ tiêu sản phẩm nhà ở của đồ án vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đồng nghĩa dự án không thể triển khai thì có phải UBND cấp tỉnh đã trực tiếp tạo ra “quy hoạch treo”? Ngược lại, nếu UBND cấp tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch khu đô thị (bước 1) và đưa chỉ tiêu sản phẩm nhà ở của đồ án vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở (bước 2) thì có phải bước 2 là trùng lặp, thừa thãi?
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đề nghị cần rà soát chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo hướng cần hạn chế hành chính hóa các quan hệ thị trường (những nội dung thuộc nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư mà không phải thuộc ngân sách thì nên để thị trường giải quyết), đồng thời cần bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện của các địa phương, tránh trường hợp khi thanh tra, kiểm tra thì bị coi là nội dung địa phương chưa thực hiện.