Bàn về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, về định hướng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, giám sát nói chung và hoạt động giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và ngân sách Nhà nước luôn phải hướng tới các mục tiêu có tính tổng quát đến toàn bộ thể chế và chính sách kinh tế.
Giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và ngân sách Nhà nước phải hướng tới tính bền vững của tài chính Nhà nước, của ngân sách Nhà nước, giữ kỷ luật về sử dụng tài sản công, về tài khóa tổng thể, hướng tới việc thiết lập cơ chế huy động và phân phối nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, bảo đảm sự tuân thủ các nguyên tắc quản lý và sử dụng tài sản công, quản lý ngân sách và quản lý chi tiêu công hiệu quả.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Bên cạnh đó, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và ngân sách Nhà nước phải đặt trong tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong giám sát quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước phải đảm bảo tài sản Nhà nước được quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bền vững.
Đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, nhiều chuyên gia cho rằng, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và ngân sách Nhà nước của Quốc hội không chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, chính sách tài khoá (như chính sách đầu tư, khai thác tài sản công, chính sách thu ngân sách Nhà nước; chính sách chi ngân sách Nhà nước; chính sách bội chi, xử lý bội chi, nguồn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước) mà cần xem xét trong mối liên hệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác (chính sách đầu tư, chính sách về lao động việc làm, chính sách về xoá đói, giảm nghèo,…).
Giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và ngân sách Nhà nước cần tập trung vào các cơ quan Nhà nước (cả TW và địa phương), các đơn vị, tổ chức kinh tế và cá nhân có quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội và cả trong sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng vốn và tài sản Nhà nước.
Cuộc làm việc của Đoàn giám sát về phát triển năng lượng
PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và ngân sách Nhà nước là vấn đề khó, chứa đựng nhiều mối quan hệ kinh tế và lợi ích phức tạp, gắn kết giữa vấn đề chính trị – kinh tế – tài chính – ngân sách và pháp lý. Để nâng cao chất blượng, hiệu quả giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước cần triển khai các giải pháp: Phân công, phân nhiệm rõ ràng: Cơ quan Nhà nước ở cấp nào, vị trí nào chỉ nên thực hiện những nhiệm vụ của cấp đó, vị trí đó, hạn chế tối đa sự chồng chéo, ôm đồm, dựa dẫm, thậm chí vô hiệu hoá chế độ trách nhiệm. Dựa vào tư vấn, phân tích của các chuyên gia: Giám sát của Quốc hội là giám sát tập thể, vì các cơ quan này là cơ quan tập thể, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Để giám sát có hiệu quả, nhất là phải xem xét những vấn đề cụ thể, cần dựa vào tư vấn, phân tích của chuyên gia, của cơ quan chuyên môn.
Thêm vào đó, cần dành thời gian cần thiết cho công tác giám sát: Với một số lượng thời gian hạn chế, cần tận dụng cơ hội giành thời gian cần thiết cho hoạt động này. Cần có quy trình giám sát phải hợp lý, khoa học với những phương thức phù hợp, bảo đảm thực hiện các kiến nghị sau giám sát, bảo đảm thông tin đầy đủ về tài sản Nhà nước, tài chính – ngân sách Nhà nước và sử dụng tối đa kiến thức chuyên gia trong quá trình giám sát của Quốc hội. Về sự trợ giúp của công cụ giám sát, trong lĩnh vực tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước, Quốc hội khó có thể giám sát hữu hiệu nếu không có sự trợ giúp của cơ quan kiểm toán. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần cải tiến cách thức làm báo cáo kết quả giám sát theo hướng lựa chọn tập trung vào những vấn đề tồn tại và kiến nghị những vấn đề cấp bách, quan trọng, liên quan trực tiếp tới đối tượng chịu sự giám sát. Kiến nghị phải có căn cứ, sát thực tiễn và có tính khả thi. Quan tâm đúng mức tới các kênh thông tin về tình hình kinh tế- xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng. Củng cố và tăng cường về tổ chức bộ máy của Quốc hội và bộ máy giúp việc của Quốc hội, đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao năng lực phân tích về kinh tế- ngân sách.
Ngoài ra, cần tăng cường năng lực cho hệ thống các Ủy ban đặc biệt là Ủy ban TCNS và Ủy ban Kinh tế (số lượng thành viên, đội ngũ phục vụ, kinh phí hoạt động…). Bảo đảm các điều kiện vật chất cho công tác giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và ngân sách Nhà nước về nhân sự, cơ chế hoạt động, chế độ cung cấp thông tin…