BỔ SUNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH, VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT

28/08/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong số 08 dự án luật được cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách diễn ra từ ngày 28/8 -30/8. Quan tâm tới nội dung dự thảo luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo, tổ chức soạn thảo các dự thảo nghị định và văn bản khác quy định chi tiết về các vấn đề mà dự thảo luật giao, để trình Quốc hội cùng với dự án luật theo quy định của Luật ban hành VBQPPL.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, KHÔNG BỎ QUA BẤT CỨ VẤN ĐỀ NÀO, KHÔNG ĐỂ CÓ SƠ HỞ CHO THAM NHỮNG TIÊU CỰC TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Dự kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV cho ý kiến vào sáng 30/8

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều chỉnh sửa, bổ sung phù hợp hơn với thực tiễn. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây (10/2023), cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát một cách cẩn trọng, đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi của các quy định được sửa đổi.

Liên quan đến kỹ thuật lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, dự thảo luật có nhiều điều, khoản còn quá dài, có nhiều nội dung, quy phạm khác nhau; nội dung diễn đạt không rõ ràng, thậm chí khó hiểu, hoặc người đọc hiểu khác nhau,... Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo có thể tách một số điều quá dài thành 2 - 3 điều và rà soát, sửa lại các điều, khoản của dự thảo luật để văn phong pháp lý chặt chẽ, trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu hơn, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Đối với điều khoản giao quy định chi tiết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần nay vẫn còn quá nhiều điều khoản giao cho Chính phủ và một số cơ quan, cá nhân khác quy định chi tiết, nhưng đến nay trong hồ sơ dự án luật trình Quốc hội vẫn chưa thấy có đầy đủ các dự thảo nghị định, văn bản quy định chi tiết…. Vì vậy, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo, tổ chức soạn thảo các dự thảo nghị định và văn bản khác quy định chi tiết về các vấn đề mà dự thảo luật giao, để trình Quốc hội cùng với dự án luật theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật… ”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến

Bên cạnh đó, tiếp cận dự thảo Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ một số nội dung như: Giải quyết về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận khi Luật này có hiệu lực thi hành; Xử lý chuyển tiếp một số trường hợp; sửa đổi, bổ sung một số điều trong các luật có liên quan;… Cụ thể:

Về Giải quyết về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận khi Luật này có hiệu lực thi hành, việc quy định như dự thảo luật không bảo đảm tính nhất quán trong việc áp dụng pháp luật về đất đai để xem xét cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất mà nộp hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận trước ngày Luật mới (2023) có hiệu lực. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ khoản 2 Điều 244 của dự thảo luật để bảo đảm quy định nhất quán áp dụng pháp luật về cấp Giấy chứng nhận, cụ thể là nếu nhận hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trước ngày Luật đất đai mới có hiệu lực mà chưa giải quyết cấp Giấy chứng nhận thì Cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cấp Giấy chứng nhận theo quy định pháp luật về đất đai năm 2013. Chỉ có những trường hợp nhận Hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận sau ngày Luật mới (2023) có hiệu lực thì giải quyết theo quy định của Luật mới.

Về xử lý chuyển tiếp một số trường hợp: Đây là vấn đề quan trọng có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân (người sử dụng đất), tức là khi Chính phủ quy định xử lý các trường hợp chuyển tiếp khác liên quan đến người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng hoặc không được sử dụng hoặc được sử dụng với cơ chế khác so với quy định pháp luật 2013, thì có thể làm hạn chế quyền công dân, quyền con người. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại vấn đề này.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều trong các luật có liên quan, nội dung này cần xem xét đánh giá hiệu quả của việc sửa đổi, bổ sung trong một số luật có liên quan. Việc làm này sẽ đem lại kết quả là sự thống nhất của Luật sửa đổi hoặc luật được ban hành mới với các luật khác, nhưng ngược lại có thể làm cho các luật có liên quan khi được sửa đổi, bổ sung có thể ngay chính trong mỗi luật này tạo nên các quy định không thống nhất, mâu thuẫn với nhau,...

Mặt khác, việc làm này sẽ tạo nên trạng thái các luật luôn sẽ bị sửa đổi, bổ sung và theo đó các văn bản quy định chi tiết luật cũng sẽ bị sửa đổi, bổ sung. Từ đó, làm cho hệ thống pháp luật không ổn định, luôn bị sửa đổi, bổ sung và công tác áp dụng, thực hiện pháp luật sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến kiến nghị, cơ quan soạn thảo xem xét đánh giá kỹ lưỡng, có phương án xử lý phù hợp khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh từ vấn đề này./.

Lê Anh