Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trình bày Tờ trình dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Điều 71 của dự thảo luật có quy định về giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Về cơ sở chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW xác định: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Toàn cảnh phiên họp
Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, theo số liệu thống kê, trong 07 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu.
Về đề xuất sửa đổi, Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì họ phải nhận BHXH một lần.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Với quy định nêu trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu họ nhận BHXH một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu), nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng. Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH đóng BHYT thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm chỉ áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu theo Điều 71 mà không được áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu quy định tại Điều 72 (trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi tuy định). Đối với các trường hợp nghỉ hưu tại Điều 72 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Như vậy, nếu áp dụng quy định trên với các trường hợp nghỉ hưu tại Điều 72 sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp (thời gian đóng ngắn, bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi), mức lương hưu quá thấp, không có nhiều ý nghĩa (lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%).
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm
Đưa ra ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều quan tâm và nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển” và mục tiêu “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” được khẳng định tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, việc dự án Luật quy định điều kiện về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên, một mặt sẽ giúp cơ hội cho thêm khoảng 800 nghìn người cao tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Mặt khác, điều này cũng đồng nghĩa với việc đánh đồng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn với đối tượng tại các vùng khác, như vậy chính sách không phản ánh được sự phù hợp với các khác biệt về đối tượng và vùng miền.
Bên cạnh đó, đánh giá về những hạn chế, vướng mắc trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tại Báo cáo tổng kết việc thi hành luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã chỉ ra “Đối tượng được tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về pháp luật bảo hiểm xã hội còn hạn hẹp, mới chỉ tập trung ở các khu đô thị, khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn và khu vực việc làm chính thức; còn rất hạn chế ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt ở các làng nghề và khu vực việc làm phi chính thức - những nơi mà việc phát triển đối tượng rất cần được quan tâm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Đóng góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật; Nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật đối với các nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các nhóm vấn đề sau: Xây dựng các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù cho người lao động, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đào tạo lao động tại chỗ, cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bổ sung quy định hoặc quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
Ngoài ra, cần có giải pháp nâng cao nhận thức của người dân và các bên liên quan về trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải đáp các thắc mắc về chế độ bảo hiểm xã hội cũng như làm rõ vai trò chủ chốt của các cơ quan trong công tác phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội để hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội trong việc tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội khi có những điều chỉnh, sửa đổi chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội.