HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT, TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

21/08/2023

Ngày 21/8, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo Hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chủ trì hội thảo.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện; thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn. Hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được chú trọng, tăng cường. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khác cũng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó lường hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn những bất cập nhất định, khả năng dự báo chưa cao. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga chủ trì Hội thảo.

Trước thực trạng này, nhiều nghị quyết của Đảng đã được ban hành để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày 7 tham luận nêu bật thực tiễn triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; hiệu quả công tác cải cách hành chính; ứng dụng khoa học trong quản lý; việc thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; thực trạng thực hiện các quy định về biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập; thực trạng công tác thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và công tác giám sát việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của Ủy ban Tư pháp; thực trạng giải quyết vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm của Viện KSND; nâng cao hiệu quả bảo vệ người tố cáo tham nhũng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Lê Thị Nga đánh giá cao nội dung, các ý kiến trao đổi tại hội thảo. Đây là cơ sở để giúp Ủy ban Tư pháp Quốc hội nắm bắt những thuận lợi, khó khăn qua hơn 4 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; đảm bảo thể chế hóa kịp thời, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, tăng cường hơn nữa công tác giám sát phòng, chống tham nhũng; đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng./.

Bảo Lâm