CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SAU ĐỢT GIÁM SÁT CẦN CÓ CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN HƠN TRONG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

17/08/2023

Tại Phiên hợp thứ 25, chiều 17/8, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), UBTVQH đánh giá cao Đoàn giám sát đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành chương trình theo nhiệm vụ Quốc hội giao, Báo cáo của Đoàn và phụ lục đầy đủ, dày dặn. Tuy nhiên các ý kiến đề nghị Báo cáo cần bổ sung về số liệu, các nhận định, đánh giá, về bố cục... để sau đợt giám sát này có chuyển biến căn bản hơn trong thực hiện 3 CTMTQG.

UBTVQH NGHE BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT BƯỚC ĐẦU CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ CUỘC HỌP VỚI ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đến hết tháng 7/2023, Đoàn giám sát đã thực hiện cơ bản các nội dung theo Kế hoạch chi tiết số 345, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, cùng làm việc trực tiếp với 11 bộ ngành và 15 địa phương, Đoàn giám sát đã xây dựng Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về các CTMTQG.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội, ngày 11/8 vừa qua, Đoàn đã báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Quốc hội về kết quả bước đầu và trên cơ sở ý kiến của các Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Đoàn đã nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo tóm tắt. Tại Phiên họp, UBTVQH sẽ nghe và cho ý kiến về Báo cáo này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với 4 Bộ liên quan và làm việc với các Chủ Chương trình là: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đồng thời sẽ có phiên làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung đánh giá của chuyên đề giám sát này và báo cáo với UBTVQH cho ý kiến chính thức tại Phiên họp thứ 26 trong tháng 9 tới để chuẩn bị báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Tại phiên họp, các đại biểu nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát “việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Đoàn Giám sát đã có cách làm phù hợp, khoa học, lựa chọn trúng và đúng vấn đề giám sát là tập trung vào phân tích chính sách và đánh giá tiến trình thực hiện chính sách; xây dựng 17 mẫu đề cương báo cáo gửi các bộ, ngành và địa phương; phân công thành viên Đoàn Giám sát làm Tổ trưởng giúp Đoàn Giám sát làm việc chuyên sâu với các bộ, ngành và địa phương.

Việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các CTMTQG mới bắt đầu triển khai thực hiện đã thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Giám sát đã thể hiện rất rõ quan điểm, nguyên tắc Quốc hội và Chính phủ cùng đồng hành để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nói chung, trong đó có việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.

Báo cáo tóm tắt cần rút gọn lại và phải phản ánh được hết “hồn cốt” của Báo cáo chính

Qua thảo luận, UBTVQH đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát dày dặn, đầy đủ, có phụ lục kèm theo chi tiết.

Cho ý kiến vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Đoàn giám sát việc thực hiện các CTMTQG được tổ chức rất chặt chẽ, cẩn thận, công tâm, khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, nắm tốt tình hình ở các địa phương và các bộ ngành. Mỗi Chương trình có báo cáo riêng, có báo cáo chung, dự thảo Nghị quyết, có phụ lục kèm theo rất chi tiết. Nhìn chung, Đoàn giám sát cơ bản hoàn thành chương trình theo kế hoạch, nhiệm vụ Quốc hội giao.

Đoàn giám sát cơ bản đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, cách biên tập trong báo cáo chung và các phụ lục đã tốt hơn bản trước, tiếp thu cơ bản các chỉ đạo lớn mà Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, chất liệu Báo cáo tốt, Báo cáo chính hay, trình bày khoa học, tuy nhiên, các báo cáo chưa đạt sự nhuần nhuyễn về kết cấu và tư tưởng lớn. Báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết chưa phản ánh được hết cốt lõi của Báo cáo chính. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Báo cáo tóm tắt cần rút gọn lại và phải phản ánh được hết “hồn cốt” của Báo cáo chính, đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Nêu rõ Đảng đoàn Quốc hội đã có Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua giám sát của Quốc hội và HĐND, cần làm rõ những sơ hở, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã kết luận. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong Báo cáo giám sát cần chỉ rõ được nội dung này.

Đồng thời đề nghị qua giám sát, cần làm rõ tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, để chậm công việc, cản trở nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, phần đánh giá chung cần đánh giá nội dung này.

Về tên Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần cân nhắc lại tên gọi cho rõ ràng, cụ thể về chuyên đề giám sát việc thực hiện 3 CTMTQG.

Về kết cấu Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị kết cấu Nghị quyết theo Báo cáo chính, có phần chung và phần riêng thì sẽ rõ từng Chương trình hơn, tránh liệt kê những phần quá chi tiết trong Nghị quyết.

Cho rằng giải pháp còn chung chung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần xác định thời gian cụ thể cho các giải pháp. Các nhiệm vụ, kế hoạch triển khai Nghị quyết và xác định thời hạn đối với từng việc.

Đi sâu vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các quan điểm, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, phân tích rõ các hạn chế, vướng mắc trong thực hiện 3 CTMTQG

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, mong muốn của UBTVQH là có một Nghị quyết sắc sảo, kiến nghị, đề xuất đúng và trúng để thúc đẩy các CTMTQG, trong đó tập trung vào xác mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo giai đoạn này khác gì so với giai đoạn trước?

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“Hiện nay có nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, quan điểm xây dựng ntm đặt trong tam nông, nông dân là chủ thể, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, mục tiêu giai đoạn này đã khác với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, phát huy mô hình nông thôn mới cấp thôn bản ở những vùng khó khăn. Gắn kết với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, làm rõ quan điểm chính sách dân tộc theo đối tượng hay theo địa bàn hay theo cả 2. Kết hợp nhuần nhuyễn các chính sách đó trong các dự án, tiểu dự án như thế nào?”

Về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, điểm mới trong kết luận gần đây của lãnh đạo liên quan đến nội dung này còn gắn với trách nhiệm UBND cấp tỉnh, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm nổi bật lên trong Báo cáo.

Bên cạnh tiến độ thực hiện Chương trình, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quan tâm đến chất lượng của các CTMTQG. Đề nghị cần làm rõ các quan điểm lớn như: quan điểm xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp; phải có ít nhất 1 Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hoạt động có hiệu quả, gắn với sinh kế và đời sống ở đó; Xây dưng nông thôn mới phải đặt trong quan hệ với phát triển đô thị và kinh tế đô thị…Xem chương trình đi có đúng hướng hay không? Đồng thời xem xét sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong các nội dung này như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ và trả lời được câu hỏi: “Vì sao chậm, vì sao vướng mắc, các điểm nghẽn ở đâu, việc tháo gỡ như thế nào? Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng dường như quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo có suy giảm hơn so với trước không?...”. Vì vậy, đề nghị Báo cáo cần chỉ rõ các vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Báo cáo giảm bớt các yếu tố kĩ thuật, tập trung đi sâu vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, gắn với các quan điểm, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề này, phân tích rõ các hạn chế, vướng mắc, tồn tại, yếu kém trong thực hiện 3 CTMTQG.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Nêu rõ mỗi giám sát cần kết quả rất cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đưa ra các sáng kiến để thực hiện tốt công tác giám sát, do đó cần làm rõ: còn xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong các Chương trình này như các lần trước không? Còn vấn đề trục lợi chính sách không? Chính sách nào để duy trì được giảm nghèo bền vững?

Đáng lưu ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá sâu: sau dịch Covid-19 tình trạng nghèo/tái nghèo có tăng lên không hay không tác động, tỉ lệ nghèo hiện nay là bao nhiêu. Đồng thời nhấn mạnh giám sát là phải xác định rõ trách nhiệm, không thể chung chung, trách nhiệm của ai (Quốc hội, Chính phủ hay các bộ ngành) thì cần được chỉ rõ.

“Sau giám sát thì cần tạo chuyển biến căn bản, tập trung toàn lực cho việc thực hiện 3 CTMTQG; từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đến việc phối hợp, có cần thay đổi gì không? Và ở địa phương cũng vậy", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về phần kiến nghị trong Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải thật cụ thể (kiến nghị cái gì, ai làm, làm như thế nào, thời hạn hoàn thành). So với bản lần trước, kiến nghị trong Báo cáo lần này đã rất tiến bộ nhưng vẫn cần đầu tư nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần gia công lại Báo cáo tóm tắt, dự thảo Nghị quyết kèm theo phụ lục, văn bản nào huy bỏ, văn bản nào sửa đổi, bổ sung, cơ quan nào chịu trách nhiệm thì giám sát mới có hiệu lực; không nên chỉ tập trung vào số liệu, cần nhìn lại mục tiêu, yêu cầu, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Cũng tại phiên họp, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện Ủy ban Dân tộc đã giải trình, làm rõ thêm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG.

Sau đợt giám sát này phải có chuyển biến căn bản hơn về thực hiện 3 CTMTQG

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, qua thảo luận, đại diện các Bộ ngành đã giải trình thêm tương đối rõ về chức năng, nhiệm vụ, thấy được một số bất cập về mô hình chỉ đạo điều hành, về chính sách, về tổ chức thực hiện…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ và các bộ ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc gửi báo cáo đến Đoàn giám sát, cơ bản đạt yêu cầu. Báo cáo chung của Chính phủ hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị giai đoạn 2, từ 1/1/2023 đến nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các Bộ còn lại gửi báo cáo theo đúng kế hoạch, tiến độ.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát

UBTQVH đánh giá cao Đoàn giám sát đã có nhiều nỗ lực, cố gắng với Báo cáo 105 trang và Phụ lục tương đối đầy đủ, tuy nhiên đề nghị cần tiếp tục bổ sung về số liệu, về các nhận định, đánh giá, về bố cục. Đồng thời đề nghị rà soát lại phần kiến nghị (vì hiện Báo cáo đang thiếu 1 CTMTQG).

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát nhận trách nhiệm những hạn chế của Đoàn, đề nghị các Tổ giúp việc và Đoàn công tác nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Đề nghị đầu tư công sức, rà soát lại Báo cáo chung cho đầy đủ, tập trung công sức và nguồn lực chuẩn bị Báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết sao cho sắc sảo, vừa khái quát, vừa cụ thể để sau đợt giám sát này có chuyển biến căn bản hơn về việc thực hiện 3 CTMTQG.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tập trung những vấn đề lớn như: xác định mục tiêu, chỉ tiêu trong giai đoạn này có gì khác hơn so với giai đoạn trước và kết quả thực hiện ra sao, chất lượng thực hiện mục tiêu của 3 CTMTQG thế nào, có đúng hướng không? Chất lượng tăng lên không hay có suy giảm? (Ví dụ như về xây dựng nông thôn mới, có nợ tiêu chí không? Qua giám sát, một số địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản, có trục lợi chính sách không?...) Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá được chất lượng các Chương trình. Đồng thời đánh giá sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp, huy động nguồn lực, nguồn vốn đối ứng, huy động vốn trong dân…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nểu rõ cần trả lời cho được các nội dung: vì sao chính sách chậm, hướng dẫn chậm, phân bổ nguồn vốn chậm, vì sao nhiều văn bản, vướng mắc, vì sao giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững và nguy cơ tái nghèo cao, điểm nghẽn là gì, tháo gỡ như thế nào, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ra sao? Vì sao không lồng ghép được? Phân cấp, phân quyền không rõ, không triệt để; Hỗ trợ sản xuất không hiệu quả; không rõ đặc thủ, mất tính chất đặc thù… Qua đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các bộ ngành.

Về phần kiến nghị, UBTVQH lưu ý kiến nghị đối với 3 CTMTQG, đối với từng Chương trình, đối với từng bộ ngành, địa phương phải thật rõ, có thời gian cụ thể hoàn thành về mô hình quản lý, về chính sách thay đổi, có sửa đổi, bổ sung gì ở các cấp, các tổ chức, cá nhân…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau phiên họp này, Đoàn giám sát tiếp tục đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương gửi Báo cáo, tổ chức các cuộc làm việc, đặc biệt Tổ giúp việc và Đoàn công tác của Đoàn giám sát chuẩn bị, hoàn thiện Báo cáo đảm bảo chất lượng./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu mở đầu phiên họp.

Quang cảnh phiên họp

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Đại diện các bộ ngành tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Báo cáo tóm tắt cần rút gọn lại và phải phản ánh được hết “hồn cốt” của Báo cáo chính, đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ trong thực hiện 3 CTMTQG.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trong thực hiện 3 CTMTQG./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức