"NHÀ NƯỚC GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO TRONG BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA" - KIẾN NGHỊ TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THẤU ĐÁO, KỸ LƯỠNG, THẬN TRỌNG, LẮNG NGHE ĐA SỐ TỪ THỰC TIỄN

17/08/2023

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh khẳng định “Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong biên soạn sách giáo khoa” là kiến nghị trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng, lắng nghe đa số từ thực tiễn của Đoàn giám sát.

CẦN GIẢI QUYẾT CĂN BẢN TÌNH TRẠNG THỪA, THIẾU GIÁO VIÊN CỤC BỘ, THIẾU CÂN ĐỐI TRONG CƠ CẤU ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’ được phát thanh, truyền hình trực tiếp tại Phiên họp thứ 25

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề hệ trọng, mang tính quốc sách hàng đầu, được đông đảo cử tri và Nhân dân, nhất là đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên và các bậc phụ huynh quan tâm. Do đó, lần đầu tiên, phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp tại Phiên họp thứ 25.

Những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận

Sau nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh cho biết, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nỗ lực của toàn ngành giáo dục, Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã được thực hiện hết sức nghiêm túc, trách nhiệm và bài bản. Lần đầu tiên, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một chương trình giáo dục phổ thông dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có quá trình chuẩn bị lâu dài và huy động được lượng lớn chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo tham gia. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng như thế, tuy chậm tiến độ nhưng về cơ bản đã nhận được đánh giá tích cực từ phía giáo viên cũng như học sinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh khẳng định Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã được thực hiện hết sức nghiêm túc, trách nhiệm và bài bản với những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận

Kết quả quan trọng đầu tiên là Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Thứ hai, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước và bước đầu, tuy có một số khó khăn, thách thức, nhưng tương đối suôn sẻ.

“Nghị quyết 88 của Quốc hội đã được thực hiện gần 10 năm. Đây là khoảng thời gian đủ dài để chúng ta xem xét chủ trương quan trọng này đã được tổ chức triển khai như thế nào. Cũng đã có một số công việc quan trọng được thực hiện, như việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới - nền tảng để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Việc tổ chức giám sát không chỉ đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Quốc hội, mà điều quan trọng là thúc đẩy việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội chất lượng và hiệu quả hơn. Đây là tinh thần được Quốc hội Khóa XV nhấn mạnh, vào cuộc từ sớm từ xa để các chủ trương quan trọng của đất nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tích cực.

Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận được nhiều mặt tích cực, đồng thời cũng phát hiện những khó khăn, vướng mắc, thậm chí cả tồn tại, hạn chế. Nhiều lãnh đạo của các bộ liên quan đã tham gia các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với bộ, ngành, địa phương, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế có thể sửa được ngay thì đã chủ động tiếp thu và rà soát, bổ sung, sửa đổi văn bản chỉ đạo cũng như kịp thời tháo gỡ. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc có tính phức tạp, nhạy cảm cao, các bên liên quan tập trung nghiên cứu, thảo luận thật kỹ để có giải pháp khả thi nhất và tốt nhất.

Nhiều bất cập khi không có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước

Nghị quyết số 88/2014/QH13 yêu cầu, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Đây được đánh giá là chủ trương đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu, trình độ của học sinh ở các vùng, miền. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt đối với biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa.

Theo tinh thần Nghị quyết 88, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh, sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh. Vì chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là học liệu và có thể có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, nên về lý thuyết, đối với mỗi môn học, giáo viên và học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều sách giáo khoa khác nhau để đạt yêu cầu quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mỗi bộ sách sắp xếp mạch kiến thức khác nhau; tiến trình nội dung bài học một số môn học có sự lệch nhau giữa các bộ sách. Điều này gây khó khăn cho giáo viên và học sinh khi sử dụng các sách giáo khoa khác nhau cũng như khi học sinh chuyển trường mà trường cũ và trường mới không học cùng một bộ sách. Đây cũng là ý kiến Đoàn giám sát ghi nhận được tại nhiều cơ sở giáo dục cũng như nhiều địa phương.

Giới chuyên gia cho rằng, nội dung chi tiết, cấu trúc từng bài có thể khác nhau nhưng cấu trúc chung của các bộ sách phải giống nhau, tránh tình trạng cùng một bài học, sách này học ở học kỳ I, sách kia học ở học kỳ II… Việc hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông.

Chính trong Báo cáo giải trình của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thừa nhận một thực tế: “Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được điều kiện này”.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Thành viên Đoàn giám sát​ Nguyễn Thị Tuyết Nga

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, thực tiễn qua giám sát cho thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13; phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh chủ trương đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Một là chưa thể tổ chức dịch sách giáo khoa từ tiếng Việt ra 8 tiếng dân tộc thiểu số, dù có chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa các môn tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách nhà nước từ năm 2020.

Hai là chưa thể thực hiện biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử, dịch sách giáo khoa sang sách chữ nổi. Tình trạng thiếu sách giáo khoa chữ nổi không chỉ gây sức ép đối với cơ sở giáo dục mà còn trở thành rào cản, ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập, phát triển của trẻ khiếm thị.

Ba là ảnh hưởng tới việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt một bộ phận học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn thiếu sách giáo khoa.

Bốn là việc hoàn toàn phụ thuộc vào bộ sách xã hội hóa khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo không có biện pháp hữu hiệu để điều tiết giá sách giáo khoa. Giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn so với giá sách giáo khoa Chương trình 2003, cao hơn so với thu nhập của một bộ phận người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Năm là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta “giáo dục là quốc sách hàng đầu”; xã hội hóa giáo dục cần được đẩy mạnh, tuy nhiên "cấm thương mại hóa giáo dục". Trong giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước là chủ đạo; trong xã hội hóa giáo dục Nhà nước cần chủ động để tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và tư; để điều tiết duy trì trật tự hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, hạn chế sự vụ lợi ảnh hưởng lợi ích dài hạn của giáo dục. Vì vậy, trong xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, cũng rất cần vai trò của Nhà nước. 

“Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong biên soạn sách giáo khoa” -  Kiến nghị thấu đáo, thận trọng, trên cơ sở lắng nghe đa số từ thực tiễn của Đoàn giám sát

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó được quan tâm nhất hiện nay là việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Cụ thể, Đoàn giám sát kiến nghị cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh, cần phải khẳng định rằng, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng. Tuy nhiên, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ trẻ, rộng hơn là cả xã hội. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng cần giữ được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Với các bộ sách giáo khoa cũng vậy, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức biên soạn nội dung, tiến hành xã hội hóa một cách phù hợp; những việc gì các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt thì mạnh dạn giao.

Qua giám sát cho thấy, việc không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của Nhà nước mà hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa đã làm mất vai trò chủ đạo của Nhà nước, ảnh hướng lớn tới trách nhiệm của Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đây là cũng vấn đề có tác động lớn tới xã hội, khi đã có tới 381 đầu sách giáo khoa mới và hàng trăm triệu bản sách giáo khoa mới được xuất bản. Vì vậy, việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, vừa bảo đảm thực hiện đầy đủ các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa tiếp tục khuyến khích hiệu quả hơn sự tham gia của các lực lượng xã hội.

Vì thế, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc in, phát hành, cung ứng sách giáo khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả; cơ chế xã hội hóa in, phát hành sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. Quản lý chặt chẽ giá, chi phí phát hành sách giáo khoa.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, đây là biện pháp hiệu quả để giúp bảo đảm tối đa chất lượng nội dung sách giáo khoa; bảo đảm quyền lợi của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế được tiếp cận với bộ sách giáo khoa chất lượng, giá thành hợp lý.

“Các kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát trên cơ sở lắng nghe đa số từ thực tiễn, nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là để Nghị quyết số 88/2014/QH13 được triển khai một cách hiệu quả nhất, giúp cho giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Thành viên Đoàn giám sát​ 

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta khuyến khích xã hội hóa nhưng khi phát sinh những vấn đề từ thực tiễn thì cơ quan quản lý nhà nước phải thể hiện rõ vai trò của mình. Việc nhiều cuốn sách giáo khoa còn sai sót, giá quá cao so với thu nhập người nghèo đang gây bức xúc trong dư luận. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chuẩn bị một bộ sách của Nhà nước, miễn phí bản quyền cho người sử dụng, chắc chắn giá sách sẽ giảm, học sinh, nhất là học sinh nghèo được lợi. Việc đổi mới sách giáo khoa đến năm học này vẫn chưa phủ kín lớp 5, lớp 9 và lớp 12 nên tiến hành lúc này là phù hợp với phát triển, hoàn thiện chương trình.

Những gia đình có điều kiện, có nhu cầu vẫn có thể chọn sách đẹp, sách tốt với giá cả thị trường hợp lý. Học sinh và thầy cô vẫn được quyền lựa chọn những cuốn sách phù hợp nhất trong các bộ sách đã được phát hành. Xã hội hóa như thế vẫn phát huy và đúng với mục tiêu đặt ra từ đầu của Nghị quyết 88./.

Thu Phương