BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT LÊ MINH HOAN: ĐƯA LÚA GẠO TRỞ THÀNH NGÀNH HÀNG CHẤT LƯỢNG CAO, BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

16/08/2023

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân về vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu rõ một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững, có kế hoạch để đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/8: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chuyển đổi đất trồng lúa: Cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển đổi sang mục đích khác để người dân, doanh nghiệp yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm thì quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu hecta. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết về quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, người nông dân sống dựa trên đất lúa, rồi chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

Nhiệm vụ số một là đảm bảo an ninh lương thực, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Đại biểu Tạ Minh Tâm đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết hiệu quả công tác thông tin, dự báo tình hình nông sản và công tác quy hoạch để đảm bảo sản xuất, quy chuẩn xuất khẩu trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Công Thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt?

Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tình hình giá lúa gạo tăng cao; làm rõ giải pháp vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đại biểu Lê Thị Song An đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Long An 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến" lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục. Trong hoàn cảnh như vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác cao hơn, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.

Về giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng nếu không có biến động thì Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, khoảng 20% diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong liên kết và còn tới 80% diện tích ngoài liên kết. Ngoài rà, giá lúa chịu quy luật cung cầu.Tại Việt Nam giá lúa gạo còn chịu nhiều vấn đề khác như vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…

Trước thời cơ như hiện tại, Bộ trưởng kêu gọi các bên phải tôn trọng nhau, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau. Bộ trưởng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ số một là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như là một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực.

Điều “ám ảnh” trong tâm trí về làm sao cải thiện được thu nhập của người nông dân trồng lúa

Một vấn đề tồn tại từ lâu của ngành nông nghiệp được đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lần nữa được nêu ra tại phiên chất vấn, đó là: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng người nông dân sản xuất ra lúa gạo vẫn có cuộc sống nghèo, thậm chí rất nghèo, nghĩa là cây lúa không mang lại lợi nhuận đáng kể cho người sản xuất. Đâu là nguyên nhân của nghịch lý này? Những giải pháp trước mắt và lâu dài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cải thiện tình trạng này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết theo niên giám thống kê và khảo sát, thì nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế; và trong nông nghiệp, thì người trồng lúa là thu nhập thấp nhất.

Nêu rõ đây là điều chúng ta không nói khác đi được, song cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan “chúng ta có thể làm khác đi và thật sự đã khác”. Bằng chứng là trong bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày và hàng ngày Bộ trưởng đều nhận tin từ những người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tâm tư về điều ám ảnh trong tâm trí của mình là làm sao cải thiện được thu nhập của người nông dân trồng lúa. Bộ trưởng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ đã nhận được tin nhắn của một nông dân cho biết nếu giá lúa cao và thu nhập ổn định thì người nông dân miền Tây sẵn sàng đem mùng ra ngoài đồng để giữ lúa cho Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực; và nếu giá lúa thấp thì người người nông dân sẽ bỏ ruộng khi đó mới chính là vấn đề mất an ninh lương thực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng cải thiện thu nhập không phải chỉ đo bằng giá. Vì nếu chỉ đo bằng giá là chưa tính hết bài toán kinh tế. Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian vừa qua cho thấy, hiện đã giảm được khoảng 20 - 25% chi phí đầu vào do ứng dụng quy trình canh tác “3 tăng, 3 giảm” - tiết kiệm nước, tiết kiệm giống, tiết kiệm phân, tổng hợp lại giảm được bao nhiêu nghĩa là tăng thu nhập lên bấy nhiêu. Bộ trưởng làm rõ, bài toán kinh tế là cả hai đầu: đầu giảm và đầu tăng. Về đầu tăng, trong thời điểm này có lẽ chúng ta đang lo ngại giá sẽ tăng hơn nữa và sẽ làm rối ngành hàng, dẫn tới thiếu bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nếu nghĩ rằng người nông dân trồng cái gì thì chỉ hưởng thu nhập của sản phẩm đó là chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, mà vấn đề là phải chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị, tức là phải tạo ra nhiều ngành nghề khác, ví dụ không gian lúa có thể tạo ra những không gian cho những ngành nghề khác.

Theo đó, cần nhìn cấu trúc ngành hàng lúa gạo nhiều chiều hơn. Nếu chuyển đổi tạo ra những nghề ở nông thôn lúc đó người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả từ thóc lúa của mình. Thông qua liên kết hợp tác xã để mua nhiều giá giảm, giá giảm thì lợi nhuận tăng, khuyến khích bà con nông dân tham gia hợp tác xã để mua chung, bán chung, tạo ra nhiều dịch vụ chung, khi đó thu nhập của bà con nông dân sẽ nằm ở nhiều phân khúc.

Mặt khác, cần phải có tư duy hạt lúa trong nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm Đề án 1 triệu hecta lúa Đồng bằng sông Cửu Long chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lúa gạo vào diện ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Theo đó, người trồng lúa có thể lấy rơm, rạ làm nấm, hoặc làm rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và “thật sự bà con đã làm được rồi nhưng tất nhiên còn nhỏ, lẻ”. Vấn đề bây giờ là phải trở thành một nền kinh tế nông thôn, khi đó người trồng lúa sẽ còn nhiều hoạt động trên mảnh đất của mình thì việc cải thiện thu nhập sẽ dễ hơn./.

Bảo Yến