CHÚ TRỌNG HẬU GIÁM SÁT ĐỂ NÂNG CAO TÍNH THIẾT THỰC CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

15/08/2023

Bàn về vai trò của hậu giám sát đối với hiệu lực giám sát của Quốc hội, nhà nghiên cứu Vũ Tiến Thản cho rằng, hậu giám sát phải được đưa vào quy trình giám sát để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát cao nhất, nâng cao tính thiết thực của hoạt động giám sát của Quốc hội.

Bàn về vai trò của hậu giám sát đối với hiệu lực giám sát của Quốc hội, nhà nghiên cứu Vũ Tiến Thản cho biết, thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội cho thấy, việc đảm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội phụ thuộc vào các yếu tố sau: Yếu tố chính trị (sự lãnh đạo của Đảng; sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị…); Yếu tố tổ chức và hoạt động của Quốc hội  (mô hình tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; cơ cấu, tiêu chuẩn, cách thức hoạt động của ĐBQuốc hội; cách thức tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc; hình thức, quy trình, cách thức tổ chức giám sát, hoạt động hậu giám sát, chế tài đối với hoạt động giám sát của Quốc hội...); Yếu tố pháp lý (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật); Yếu tố bảo đảm hậu cần cho hoạt động của Quốc hội  (bảo đảm điều kiện về thông tin, truyền thông, nghiên cứu khoa học, tài chính, điều kiện làm việc, chất lượng bộ máy tham mưu, giúp việc...).

Theo nhà nghiên cứu Vũ Tiến Thản, yếu tố bảo đảm hoạt động giám sát của Quốc hội là rất rộng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong đó, cần lưu tâm khậu hậu giám sát. Theo nghĩa chung nhất, hoạt động “hậu giám sát” được hiểu là những công việc phải làm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát sau khi chủ thể giám sát tiến hành hoạt động giám sát và ban hành nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát (một số trường hợp sau đây gọi chung là “kết luận giám sát”), tức là hậu quả pháp lý sau giám sát đã được xác định, có cơ sở để thực hiện.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Về phía chủ thể giám sát, đó là việc theo dõi, đôn đốc, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, tái giám sát (nếu thấy cần thiết) và đưa ra các chế tài đảm bảo việc thực hiện các kết luận giám sát đạt hiệu quả cao nhất. Về phía đối tượng chịu sự giám sát, là việc nâng cao trách nhiệm, áp dụng các biện pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập theo kết luận của các chủ thể giám sát đưa ra, tạo chuyển biến tích cực nhất trong thực tế.

Hậu giám sát là hoạt động của các chủ thể giám sát khi xem xét, đánh giá việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát đối với các kết luận giám sát như thế nào, có nghiêm túc không, kết quả đạt được ra sao, xu hướng (mức độ chuyển biến) thế nào và sẽ xem xét đến cùng việc thực hiện đó, từ đó, có cơ sở đánh giá hoặc áp dụng những chế tài phù hợp theo quy định của pháp luật đối với đối tượng chịu sự giám sát. Hậu giám sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả giám sát của Quốc hội nên nó phải được đưa vào quy trình giám sát để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát cao nhất, nâng cao tính thiết thực của hoạt động giám sát của Quốc hội.

Theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật Hoạt động giám sat), hoạt động hậu giám sát của Quốc hội bao gồm những nội dung chính sau: Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét việc thực hiện toàn bộ các nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề do Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm xem xét; Quốc hội xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện kiến nghị giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn  đại biểu Quốc hội khi báo cáo Quốc hội.

Đoàn giám sát Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội làm việc với Petrovietnam 

Việc xem xét được tiến hành theo quy trình hai cấp độ như sau: Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của HĐDT, UB của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thì các chủ thể này có quyền kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát vẫn không thực hiện thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; sau khi xem xét, Quốc hội ra nghị quyết để bắt buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện.

Nhìn dưới góc độ giám sát thì các hoạt động chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng được coi là hoạt động hậu giám sát khi các hoạt động này có hàm chứa việc xem xét, đánh giá việc thực hiện các kết luận giám sát. Đối với hoạt động chất vấn, đó là việc truy vấn đến cùng việc thực hiện kết luận giám sát của đối tượng bị giám sát; đối với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đó là sự xem xét việc thực hiện của họ đối với kết luận giám sát như là một tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với Đoàn giám sát về các Chương trình mục tiêu quốc gia

Như vậy, nhà nghiên cứu Vũ Tiến Thản cho rằng, về mặt pháp lý, các quy định hiện hành đã giúp cho việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hiệu quả hơn bằng việc tăng các “lớp” xem xét để đi đến cùng vấn đề được giám sát; về mặt thực tiễn, cách tổ chức theo quy trình như vậy đã khá chặt chẽ, giúp cho các vấn đề giám sát được theo bám đến cùng và không bị bỏ sót, nếu làm tốt sẽ tạo chuyển biến rõ nét, từ cơ quan chịu sự giám sát đến cơ quan chủ trì giám sát.

Pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể, chặt chẽ và chế tài đủ mạnh về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát; nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vấn đề hiệu quả thực hiện cơ bản chỉ còn phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện, vào trách nhiệm của các cơ quan liên quan là các chủ thể tiến hành giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; trong đó, đặc biệt là trách nhiệm của các chủ thể tiến hành giám sát.

Hồ Hương