ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND HUYỆN BÌNH CHÁNH, TP. HỒ CHÍ MINH
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương phát biểu tại cuộc làm việc
Báo cáo với Đoàn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của thành phố trong những năm qua được khai thác, sử dụng đúng mục đích, là cầu nối chuyển tải các chủ trương, chính sách. Đây cũng là nơi phát huy tiềm năng, sức mạnh nội sinh của văn hóa và thể thao trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm, giải trí. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các thiết chế văn hóa và thể thao còn là công trình dự phòng phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Sự phát triển các thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đơn năng đến đa năng, đáp ứng đa dạng các nhu cầu giải trí, mục tiêu nhiệm vụ chính trị; đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Hiện, TP. Hồ Chí Minh có 165 thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng; 69 thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân, viên chức và người lao động; 38 thiết chế văn hóa được xây dựng và quản lý trong khuôn viên của quân đội. Bên cạnh đó còn có các cơ sở như: Nhà Truyền thống, Thư viện, phòng, góc truyền thống, phòng đọc sách, tủ sách của các đơn vị để phục vụ nghiên cứu, học tập trong trụ sở làm việc của Công an thành phố và các đơn vị trực thuộc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại cuộc làm việc
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao cho thấy, việc quy hoạch quỹ đất dành cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn hạn chế. Phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao hiện đã xuống cấp, chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện theo quy định. Hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với mức ngân sách cơ bản hàng năm chỉ đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên, rất khó để có sự đổi mới về nội dung, hình thức do còn gặp khó khăn trong cơ chế liên doanh, liên kết hợp tác sản xuất cùng các đơn vị tư nhân.
Các đại biểu tại cuộc làm việc
Ngoài ra, nhân sự tại các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là tại các phường, xã, thị trấn chủ yếu là do công chức, viên chức, thành viên các đoàn thể phụ trách, đa số là kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, chỉ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ và bồi dưỡng chuyên môn theo hệ thống ngành văn hóa, thể thao, thiếu cán bộ có nghiệp vụ chuyên sâu và kinh nghiệm công tác lâu năm. Mức chi hỗ trợ và phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ, nhân viên phụ trách chưa có quy định cụ thể, rất khó trong việc thu hút người có trình độ, chuyên môn cao.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương cho biết, sau khi làm việc, khảo sát tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, Thành phố đã rất nỗ lực trong việc triển khai các thiết chế văn hóa thể thao, trong đó có những lĩnh vực đạt kết quả rất tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra một số vấn đề như: khả năng tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; sự cần thiết, nhu cầu của thiết chế ở cấp thôn, ấp; tình hình thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm pháp luật… Vì vậy, Sở cần có những đề xuất sát hơn với tình hình các thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn đang gặp phải.
Đánh giá cao những kết quả Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh đạt được thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, với sự đa dạng các loại hình thiết chế sẽ góp phần quan trọng trong việc đáp ứng được nhu cầu của người dân trong thời đại mới.
Quang cảnh cuộc làm việc
Để các thiết chế văn hóa thể thao hoạt động hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ nhiệm UB Phan Viết Lượng đề nghị, Sở cần có đánh giá, nhận định thêm về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, cũng như công tác đầu tư, phối hợp để triển khai các nhiệm vụ phát triển văn hóa thể thao trên địa bàn đã tương xứng, đáp ứng yêu cầu chưa, đã hướng đến từng địa bàn, từng đối tượng chưa, và đã đạt được tiêu chí, số lượng theo quy định chưa? Trên cơ sở đó, làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bổ sung những kết quả nổi bật, từ đó tổng kết kinh nghiệm, có kiến nghị, đề xuất để tổ chức được các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao quy mô, tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển văn hóa thể thao của một xã hội hiện đại.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn đã làm việc, khảo sát tại Trung tâm Văn hoá TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Thể dục, Thể thao Quận 7.