ĐẠI SỨ IRAN: CHUYẾN THĂM CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - BƯỚC NGOẶT TRONG LỊCH SỬ QUAN HỆ HAI NƯỚC
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hồi giáo nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 08-10/8/2023. Đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2018. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy đã chia sẻ về mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia, cũng như mục đích và ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội lần này.
Phóng viên: Thưa Đại sứ, Việt Nam và Iran vừa kỷ niệm 50 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (4/8/1973 – 4/8/2023). Đại sứ có đánh giá như thế nào về mối quan hệ của hai nước trong thời gian qua và cơ hội hợp tác thời gian tới?
Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam – Iran thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi xin được điểm lại ngắn gọn tình hình quan hệ song phương giữa hai nước: Sau Hiệp định Paris lịch sử vào năm 1973, Việt Nam và Iran đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4/8/1973. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Việt Nam và Iran đã có bề dày lịch sử lâu đời thể hiện qua các mẫu vật có nguồn gốc từ Đế chế Ba Tư được ghi chép trong các hoạt động giao thương của Chăm Pa và Đại Việt.
Đặc biệt, ngày 13/02/1979, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên gửi điện mừng và công nhận nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, chỉ 02 ngày sau “Ngày chiến thắng của Cách mạng Hồi giáo” (11/02/1979).
Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp tiếp tục được duy trì, vun đắp và không ngừng phát triển theo thời gian, nổi bật là chuyến thăm của 03 Tổng thống Iran tới Việt Nam vào các năm 1995, 2012 và 2016; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Iran năm 2016; Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm Iran năm 1999 và gần đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani tới Việt Nam năm 2018.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam– Iran vẫn không ngừng được củng cố, giữ đà phát triển tích cực và đạt được một số thành tựu quan trọng, nổi bật là việc ký Hiệp định vận tải biển thương mại (2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (2009), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2014), Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan (2014), Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Iran (2016).
Về chính trị, trao đổi đoàn, tiếp xúc giữa Bộ, ngành hai nước được duy trì dưới nhiều hinh thức; Iran và Việt Nam thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên hợp quốc. Hai nước cũng đã tiến hành 9 kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ, 7 phiên tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng.
Quan hệ Nghị viện Việt Nam – Iran tiếp tục được chú trọng và phát triển tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammand Bagher Ghalibaf đã cùng trao đổi Thư mừng Quốc khánh, Thư mừng nhậm chức. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, gần nhất là đoàn của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Iran vào tháng 12/2022; cam kết tăng cường vai trò giám sát và thúc đẩy triển khai hiệu quả các văn kiện, thỏa thuận hợp tác đã ký kết; thúc đẩy vai trò cầu nối của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Iran.
Quan hệ kinh tế song phương tiếp tục được duy trì ổn định. Theo thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam, kim ngạch hai chiều năm 2022 đạt khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Iran chủ yếu được thực hiện thông qua nước thứ ba nên kim ngạch thương mại thực tế giữa hai nước có thể vượt xa thống kê hàng năm.
Về cơ cấu thương mại, Iran có thế mạnh trong các ngành năng lượng, dầu và các sản phẩm từ dầu, khai khoáng, chế tạo máy móc, xây dựng. Việt Nam có lợi thế trong xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, chăn nuôi, dệt may, giày dép. Do đó, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước bổ sung cho nhau và còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.
Phóng viên: Trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam - Iran còn nhiều dư địa như vậy, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này đối với mối quan hệ song phương nói chung và giữa nghị viện hai nước nói riêng?
Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy: Chuyến thăm chính thức Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Iran (4/8/1973 – 4/8/2023) và hai nước đang đẩy mạnh ngoại giao đa phương, hội nhập quốc tế, lấy ngoại giao kinh tế làm trọng tâm. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Iran kể từ năm 1999, cho thấy lãnh đạo hai nước hết sức coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa hai quốc gia đang phát triển.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm với người đồng cấp Iran Ngài Mohammad Bagher Ghalibaf; chủ trì Diễn đàn Pháp luật, Chính sách thúc đẩy hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư; phát biểu về chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế Iran (IPIS); Khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Iran và tham quan một số cơ sở văn hóa, khoa học – công nghệ cao của Iran.
Điều rất có ý nghĩa là trong chuyến thăm này, các cơ quan hữu quan, các bộ ngành và địa phương liên quan của hai nước sẽ gặp gỡ, trao đổi nội dung và ký nhiều văn kiện hợp tác là cơ sở quan trọng cho việc triển khai hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, thể thao, văn hóa và trên lĩnh vực tư pháp, pháp luật.
Diễn đàn Pháp luật, Chính sách thúc đẩy hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư là một trong những điểm nhấn của chuyến thăm lần này, với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương hai nước, đặc biệt là sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp hai nước thuộc các lĩnh vực từ thương mại, nông nghiệp đến công nghệ cao, hóa chất, ngân hàng….Diễn đàn là cơ hội giao thương tốt cho doanh nghiệp hai bên, cũng như để cho các cơ quan quản lý nhà nước hai bên nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, cùng hợp tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương hai bên.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng dành thời gian quý báu gặp gỡ cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt tại Iran. Đây là một hoạt động tiếp xúc cử tri có ý nghĩa của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cùng với các chuyến thăm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đến các nước trong năm nay thể hiện sinh động đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế được đề ra trong đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Với những kết quả đạt được trong chuyến thăm Iran lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quan hệ giữa Việt Nam và Iran sẽ được nâng lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!