PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI NGÀNH NĂNG LƯỢNG THEO TINH THẦN PHÁT HUY NỘI LỰC

07/08/2023

Tại cuộc làm việc với tỉnh Cà Mau chiều 07/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực; giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo...

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI KHẢO SÁT VỀ NĂNG LƯỢNG TẠI CÀ MAU

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

Chiều 07/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau. 

Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Cà Mau có Ủy viên trung ương Đảng, Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Dự khuyết trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, nước ta đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn Giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu với tỉnh Cà Mau. 

Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy vậy, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giai đoạn 2016 -2021 vừa qua, ngành năng lượng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, cần được kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Xuất phát từ yêu cầu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội đã quyết định chọn nội dung “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 20162021” để giám sát chuyên đề năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Mục đích của chuyên đề giám sát Đoàn đang thực hiện là đánh giá việc triển khai thực hiện; làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, trách nhiệm; đề xuất những giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển năng lượng trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Cà Mau. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh tinh thần chung khi Đoàn Giám sát tổ chức các hoạt động giám sát ở các địa phương là: Giám sát trên tinh thần xây dựng; trong quá trình giám sát phát hiện được những mô hình mới, những cách làm hay, giải pháp và đề xuất tốt thì cần nhân rộng, lan tỏa trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Với phương pháp tiếp cận khoa học, phù hợp; từ đó đánh giá công bằng, khách quan; đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của địa phương, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tỉnh Cà Mau báo cáo tập trung làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển năng lượng trong giai đoạn tới, tập trung làm rõ các vấn đề về bảo đảm an ninh năng lượng, tình hình cung cầu năng lượng trên địa bàn.

Về đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng. Nội dung chủ yếu phương án phát triển điện lực được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh? Vấn đề chuyển dịch năng lượng? Tình hình thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả?  Các dự án năng lượng chậm tiến độ trên địa bàn; khó khăn vướng mắc trong xử lý…

Báo cáo với Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết: Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến 2035 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4218/QĐ-BCT ngày 24/10/2016 và Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1402/QĐ-BCT ngày 11/4/2016 và danh mục các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch, tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 1.000MW điện gió, 60MW điện mặt trời, 24MW điện sinh khối.

Về điện mặt trời, trong kỳ quy hoạch, tỉnh Cà Mau được quy hoạch 60MW điện mặt trời tại huyện Ngọc Hiển, hiện đã có nhà đầu tư đề xuất dự án, tỉnh Cà Mau đang xem xét về chủ trương đầu tư dự án và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.219 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 111,579MW sử dụng công tơ 2 chiều để hòa lưới điện quốc gia.

Đối với điện sinh khối có 01 dự án 24 MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện nay, theo chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mời gọi đầu tư lĩnh vực điện sinh khối, tỉnh Cà Mau đang tổ chức rà soát lại về công nghệ của dự án và các nội dung có liên quan để xử lý theo quy định. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang vận hành Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1&2 với tổng công suất thiết kế 1.500MW, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Cà Mau không quy hoạch bổ sung phát triển thêm các nguồn điện khí.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi.

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, toàn tỉnh có 11 cơ sở được Thủ tướng Chính phủ công nhận là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại Quyết định 1480, chủ yếu là các cơ sở chế biến thủy sản. Trên cơ sở đó, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đều thực hiện nghiêm túc theo quy định Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và quy định của pháp luật có liên quan, định kỳ báo cáo đầy đủ về kết quả thực hiện và kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả theo quy định. Tổn thất điện năng trên lưới điện địa bàn tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2016 - 2021 có xu hướng giảm dần, năm 2016 tỷ lệ 8% đến năm 2021 tỷ lệ 5,45% đã thể hiện việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Theo báo cáo của Công ty Khí Cà Mau, giai đoạn 2016-2021, hệ thống khí PM3-Cà Mau đã tiếp nhận và cấp khí ổn định hơn 11,6 tỷ m3 khí tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp tiêu thụ trong Khu công nghiệp Khánh An. Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2012-2015 đã hết giai đoạn thực hiện, đến nay, vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn mới nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện. Vì vậy, kiến nghị Đoàn Giám sát xem xét, đề nghị các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành văn bản hướng dẫn, để triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay; đồng thời đề nghị điều chỉnh kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí tại Cà Mau theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn…/.

Thùy Linh