QUẢN LÝ NHU CẦU, KINH TẾ HÓA, XÃ HỘI HÓA, CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

04/08/2023

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và một số chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh nguồn nước. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước theo hướng quản lý nhu cầu, kinh tế hóa, xã hội hóa, chuyển đổi số.

LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Các thách thức đặt ra đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Việt Nam đang đứng trước một số thách thức về an ninh nguồn nước như sau:

Một là, phụ thuộc các quốc gia thượng nguồn. Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn chiếm tới 63% (tương ứng sông Mê Công có 90,1%, sông Hồng 38,5%, sông Cả 18,4%, sông Mã 27,1%), nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của Việt Nam, phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ của các quốc gia thượng nguồn. Các quốc gia thượng nguồn các sông quốc tế có xu hướng tăng cường đầu tư, khai thác nguồn nước cho các mục đích phát triển thủy điện, cấp nước cho sản xuất, dân sinh trong và ngoài lưu vực, cùng với những tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước (ANNN) của Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn

Hiện tại, các tác động do hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn đến dòng chảy và ô nhiễm môi trường nước về Việt Nam đã được ghi nhận qua số liệu quan trắc tại các vị trí chảy vào nước ta trên sông Đà, sông Lô. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước. Theo Ủy hội sông Mê Công quốc tế, các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công đã hoàn thành và sẽ tiếp tục xây dựng nhiều hồ chứa thủy điện trên cả dòng chính và dòng nhánh, với tổng dung tích trữ lên đến hàng chục tỷ m3 nước tương đương 20% tổng lượng dòng chảy sông Mê Công.

Hai là, nguồn nước phân bổ không đều theo không gian và thời gian. Tài nguyên nước mặt của Việt Nam phân bố không đều cả về không gian và thời gian. Sự biến đổi theo thời gian của lượng mưa năm biểu hiện ở sự dao động giữa các năm và phân phối không đều trong năm. Việt Nam có lượng mưa trung bình năm khoảng 1.950 mm, thuộc số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Tài nguyên nước dưới đất phân bố rất không đều theo không gian; khá phong phú, như ở khu vực Đông Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ; rất thấp ở Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và có xu thế suy giảm.

Ba là, suy giảm diện tích và chất lượng rừng. Dưới áp lực từ sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế ở nhiều vùng nên nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đã bị suy giảm. Tỷ trọng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng non, rừng nghèo và nghèo kiệt có trữ lượng dưới 50m3 còn chiếm tỷ lệ cao so với tổng diện tích rừng hiện có (khoảng 30%), hiệu quả tạo nguồn sinh thủy hạn chế. Hầu hết diện tích rừng đầu nguồn phân bố ở vùng cao, xa nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Bốn là, gia tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm nguồn nước chủ yếu tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu các lưu vực sông (Nhuệ, Đáy, Cầu, Đồng Nai), hệ thống công trình thủy lợi (Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống...). Nguồn gây ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn không được kiểm soát, trong đó, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Hội thảo về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Chất lượng nguồn nước dưới đất tại một số vùng trong thời gian gần đây đang phải đối mặt với nhiễm mặn và ô nhiễm.Tình trạng nước dưới đất bị mặn, nhiễm mặn diễn ra phổ biến ở các khu vực đồng bằng ven biển Bắc bộ và Nam bộ. Ngoài ra, hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng và Amoni trong nước dưới đất đã ghi nhận ở hầu hết các địa phương có khai thác, sử dụng nước dưới đất lớn.

Năm là, gia tăng nhu cầu sử dụng nước Việt Nam có bình quân lượng nước tính trên đầu người đạt 9.000 m3 /năm nếu tính tổng lượng nước. Tuy nhiên, nếu chỉ tính lượng nước mặt nội sinh trên lãnh thổ, thì lượng nước bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.300 m3 /người/năm, thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (khoảng 4.900 m3 /người/năm) và ở ngưỡng thiếu nước.

Quản lý nhu cầu, kinh tế hóa, xã hội hóa, chuyển đổi số trong sử dụng tài nguyên nước

Từ những phân trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và một số chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách; rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước theo hướng quản lý nhu cầu, kinh tế hóa, xã hội hóa, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch; huy động nguồn lực, tạo điều kiện, động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, lọc nước biển, xử lý nước thải; xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.

Huy động nguồn lực Ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình khó huy động nguồn lực xã hội, xây dựng công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Vốn đầu tư công mang tính dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút lan tỏa vốn xã hội, hỗ trợ cho các dự án kém hấp dẫn nhưng có hiệu quả cho các vùng khó khăn nhằm chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư công trình trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước, công trình đảm bảo an sinh xã hội. Công tác quy hoạch, điều tra cơ bản Xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước; giải pháp dài hạn cho vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có nguy cơ cao về ANNN.

Bảo đảm chất lượng môi trường nước, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt, công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải; phục hồi các dòng sông, nguồn nước bị suy thoát, ô nhiễm nghiêm trọng; hoàn thành việc công bố, kiểm soát dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối và hạ lưu các hồ chứa; tăng cường lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Tăng cường tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, quan trắc, giám sát nước thải, đặc biệt đối với các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm; tăng cường tỷ lệ tái sử dụng nước thải sau xử lý. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Kiểm soát ô nhiễm nước. An toàn đập, hồ chứa nước.

Giải pháp phi công trình: Rà soát, đánh giá lại công năng, nhiệm vụ, quy trình vận hành của đập, hồ chứa nước so với thiết kế ban đầu để có giải pháp nâng cấp năng lực trữ nước, ứng phó với mưa lũ cực đoan, vận hành theo thời gian thực và hướng tới phục vụ đa mục tiêu; Nâng cao hiệu quả sử dụng dung tích hồ chứa, kể cả sử dụng phần dung tích chống lũ công trình, dung tích chết trong việc tham gia điều tiết cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Hoàn thiện hệ thống quản lý, khai thác đập, hồ chứa về chất lượng nguồn nhân lực và trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành.

Giải pháp công trình: Tập trung hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng chống lũ vào năm 2025, đặc biệt đối với đập, hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, lưu vực tập trung dòng chảy lũ về hồ nhanh; bảo đảm kinh phí bảo trì theo quy định; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện. Sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác; Xây dựng mới các hồ chứa nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng để trữ nước, chuyển nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn, cắt giảm lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tăng cường năng lực cho công tác dự báo, cảnh báo nguồn nước, thiên tai theo thời gian thực, kịp thời cung cấp số liệu, chủ động trong bố trí sản xuất và sinh hoạt, hỗ trợ ra quyết định. Đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần; chú trọng nâng cấp mạng lưới trạm, điểm đo mặn. Bảo vệ, phát triển rừng Quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao; phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ. Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá ANNN. Tăng cường giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước.

Hồ Hương