CẦN HẠ TẦNG TỐT ĐỂ VIỆC TÍCH HỢP THÔNG TIN CÔNG DÂN ĐẢM BẢO AN TOÀN, TRÁNH THẤT THOÁT, LỘ LỌT THÔNG TIN NGƯỜI DÂN

01/08/2023

Tại phiên họp thứ 25 sắp tới, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Dự án luật này cũng đã được xem xét, thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Các đại biểu cho rằng, trong tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, cần có hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh thất thoát, làm lộ bí mật thông tin của người dân

Tại phiên họp thứ 25 sắp tới, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Dự án luật này cũng đã được xem xét, thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất với việc sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho Nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…

Đề cập về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 10 của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần bổ sung vào kho lữu trữ dữ liệu để tăng cường dữ liệu quốc gia và hiệu lực quản lý thông tin. Tuy nhiên, cần cụ thể thông tin, đối tượng nào bắt buộc phải đưa vào kho dữ liệu, đối tượng và thông tin nào thì không phải bắt buộc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan.

Ngoài ra, Điều 23 của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tích hợp thông tin vào thẻ căn cước để giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh thất lạc giấy tờ, thuận lợi cho  cơ quan trong giao dịch, cải cách thủ tục hành chính và thuận lợi cho người dân trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, việc tích hợp này cần hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh thất thoát, làm lộ bí mật thông tin của người dân.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Thích Bảo Nghiêm nhất trí với Ban soạn thảo đề cập việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số trong dự án Luật. Bên cạnh đó là việc hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cũng đánh giá cao quá trình soạn thảo dự án Luật đã tạo bước ngoặt đột phá về chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực và đồng thuận với khoản 10 Điều 10 về bổ sung kê khai nhóm máu cho bảo vệ sức khoẻ công dân trong trường hợp cấp bách. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo dự án Luật cũng bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân (Điều 20) là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Việc làm này sẽ góp phần giảm thiểu các giấy tờ mang theo cho người dân. Ngoài ra, đóng góp thêm vào dự án Luật, đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề xuất bổ sung mục Họ tên thường dùng vào khoản 1 Điều 10.

Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm.

Đồng thuận với quan điểm bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, việc làm này rất thuận tiện cho các cháu dưới 14 tuổi trong việc kê khai giấy tờ khi đi học, khám chữa bệnh hay tham gia vào các hoạt động giao thông vận tải công cộng. Việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng này cũng góp phần quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân được tốt hơn bởi nếu dùng giấy khai sinh có thể bị hư hỏng, cũ nát nên dễ ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin cá nhân và người khác có thể sử dụng thay thế được. Để đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin được tốt hơn, đại biểu Nguyễn Hải Trung yêu cầu trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về hạ tầng để bảo mật dữ liệu cá nhân.

Về đối tượng áp dụng của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Hải Trung đồng thuận với phần điều chỉnh là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Việc làm này cũng góp phần đảm bảo việc quản lý những người này đang sinh sống, làm việc tại nước ta một cách khoa học hơn.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, theo Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 31/3/2023 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2023 về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu đồng tình với tầm quan trọng cần sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân, đặc biệt dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch” là quy định mới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, giúp các địa phương có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong cấp giấy tờ tùy thân cho người gốc Việt không có quốc tịch nhưng đang cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến quy định này để đảm bảo không xung đột với các luật khác như Luật Quốc tịch Việt Nam.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ đồng tình việc bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đại biểu nhấn mạnh, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ giúp cho một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Về độ tuổi bắt buộc phải có căn cước công dân đối với trẻ em cũng nhận được sự quan tâm góp ý của đại biểu Quốc hội tại Tổ 10. Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cân nhắc và đánh giá tác động của việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi tại Điều 20 của dự thảo luật; đánh giá đầy đủ nhu cầu cấp thẻ căn cước công dân của lứa tuổi này nên cấp căn cước công dân đối với lứa tuổi này như thế nào vì phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, đặc biệt là các giao dịch đòi hỏi thẻ căn cước công dân cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Về vấn đề này, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị xem xét quy định về độ tuổi cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi theo nhu cầu vừa đảm bảo tính khả thi, vừa đảm bảo quyền, lợi ích của công dân để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu thông qua cha mẹ, người giám hộ. Đồng thời; quy định rõ trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi trong việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân của đối tượng này.

Nêu ý kiến về giá trị sử dụng thẻ, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, tại khoản 3, điều 21 dự thảo luật nêu: “Khi người dân xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trừ trường hợp thông tin của người dân đã được thay đổi, cải chính và thông tin trong thẻ căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”; khoản 4, Điều 23 quy định: “Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác”. Đại biểu cho rằng, thẻ căn cước không thể thay thế được một số giấy tờ đang sử dụng hiệu quả hiện nah như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ ATM… Vì vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc tính khả thi và hiệu quả; đồng thời tính toán hậu quả pháp lý phát sinh do sử dụng thông tin trong thẻ căn cước.

Minh Hùng