Ở Việt Nam, theo quy định Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (VBQPPL), đối tượng, phạm vi điều chỉnh của VBQPPL phải được thể hiện trong Hồ sơ đề nghị xây dựng luật và là một trong những nội dung của công tác thẩm định, thẩm tra được tiến hành bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền (các Điều 37, 39, 47 và 65 Luật Ban hành VBQPPL; cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải tuân thủ phạm vi điều chỉnh đã được thông qua tại Hồ sơ đề nghị xây dựng luật (Điều 55 Luật Ban hành VBQPPL).
Về nguyên tắp áp dụng pháp luật, Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL cũng quy định khá rõ các nguyên tắc như: VBQPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. VBQPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của VBQPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó;…
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới; Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
Ngoài ra, Luật Ban hành VBQPPL còn có một số quy định khác liên quan đến việc áp dụng pháp luật như quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ VBQPPL (Điều 12); Về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL (Điều 151); Hiệu lực trở về trước của VBQPPL (Điều 152); Trường hợp VBQPPL hết hiệu lực (Điều 154); Ngưng hiệu lực VBQPPL (Điều 153); Hiệu lực về không gian (Điều 155)…
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
Góp ý tại Hội thảo "Cách thức quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp trong văn bản luật: Thực trạng và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp tổ chức, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, nguyên tắc áp dụng pháp luật bao gồm các quy tắc, nguyên tắc làm căn cứ để áp dụng thống nhất các VBQPPL, xử lý mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn giữa các VBQPPL. Nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL và trong các VBQPPL, trong đó bao gồm các luật. Trong các luật đều có điều khoản về áp dụng luật. Mặc dù đây là một vấn đề truyền thống không xa lạ trong xây dựng luật, nhưng hiện vẫn có những quan điểm chưa thống nhất, thậm chí mâu thuẫn về quy định này trong các luật được ban hành trong thời gian gần đây. Thực tế đó làm ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật trong thực tế.
PGS.TS. Đặng Minh Tuấn Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội
Theo PGS.TS. Đặng Minh Tuấn Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội, vấn đề được quan tâm nhất đang đặt ra liên quan đến thứ bậc pháp luật của luật chung và luật chuyên ngành. Luật chuyên ngành và luật chung cùng là do Quốc hội ban hành, nhưng luật chuyên ngành cần được ưu tiên áp dụng so với luật chung khi điều chỉnh cùng một lĩnh vực dù được ban hành trước hay sau luật chung.
Quan điểm hiện nay về cơ bản thừa nhận nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, tuy vậy việc áp dụng còn chưa thống nhất, đầy đủ. Vì vậy, có quan điểm cho rằng cần phải sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 8 thành: “Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau, nếu văn bản chuyên ngành có quy định khác thì áp dụng văn bản chuyên ngành”. Trong khi đó, việc thừa nhận nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành cũng được thừa nhận và áp dụng nếu được nêu rõ trong các luật được ban hành.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Công ty Luật NHQuang và cộng sự
Để có thể nâng cao hiệu quả việc áp dụng pháp luật được thống nhất, Luật sư Nguyễn Hưng Quang đề xuất một số giải pháp như: nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của luật chuyên ngành cần được bổ sung tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Để củng cố cho việc áp dụng nguyên tắc này thì cần có quy định giải thích, hướng về quy định chung và quy định chuyên ngành để khi xây dựng các văn bản pháp luật, giải thích hoặc hướng dẫn áp dụng văn bản, cơ quan có thẩm quyền cần xác định rõ ràng về quy định chung và quy định chuyên ngành.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang cũng cho rằng, các luật cần xây dựng quy định về nguyên tắc cơ bản của chuyên ngành luật đó, tương tự như phương pháp quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Việc quy định nguyên tắc cơ bản sẽ giúp cho việc xây dựng, viện dẫn các luật khác không bị mâu thuẫn, tôn trọng hiệu lực áp dụng.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, giải pháp giải quyết mâu thuẫn trong trường hợp áp dụng pháp luật. Ngoài ra, giải pháp tư pháp cũng cần được đặt ra để giải quyết mâu thuẫn này. Cơ chế này nên có tính chuyên trách và chuyên nghiệp, như Toà án hiến pháp ở một số quốc gia .
TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
Chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia về nguyên tắc áp dụng pháp luật, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, pháp luật thực hiện tốt việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể (tổ chức/cá nhân) trong xã hội, việc bảo đảm áp dụng pháp luật công bằng, nghiêm minh, nhất quán là yêu cầu có tính nguyên tắc.
Theo kinh nghiệm một số quốc gia, để bảo đảm áp dụng pháp luật một cách công bằng, nghiêm minh và nhất quán, TS. Nguyễn Văn Cương cho biết, các quốc gia đều có các quy tắc xác định thứ tự ưu tiên áp dụng các quy phạm pháp luật trong trường hợp có sự xung đột hay mâu thuẫn trong nội dung các quy phạm cùng điều chỉnh một vấn đề thực tế. Các quy tắc ưu tiên theo thứ bậc tầm hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, ưu tiên áp dụng quy phạm pháp luật chuyên ngành so với quy phạm pháp luật chung, ưu tiên theo thời gian ban hành thường được các quốc gia công nhận.
TS. Nguyễn Văn Cương lưu ý, việc chuyên nghiệp hóa khâu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng là kinh nghiệm rất đáng lưu ý trong việc bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng với văn phong, ngôn từ, kỹ thuật lập pháp nhất quán. Thêm vào đó, việc bảo đảm đúng đắn nguyên tắc “độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật” cũng góp phần bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh, nhất quán trong áp dụng pháp luật.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chủ trì Hội thảo
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực và được áp dụng một thời gian khá dài. Đặc biệt, trong các dự án luật được xây dựng tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, XV, các quy định của Luật này đã được áp dụng, tạo nên khung pháp lý cho việc xây dựng văn bản luật, pháp lệnh.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng chỉ rõ, qua thực tế đã cho thấy nảy sinh một số vấn đề bất cập, dẫn tới chồng chéo, thiếu thống nhất trong cách thể hiện những quy định này ở một số văn bản quy phạm pháp luật; đặc biệt là những điều khoản liên quan đến nguyên tắc áp dụng. Thực trạng này một phần xuất phát bởi một số quy định còn thiếu cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên về chủ quan phần cơ bản là do cách hiểu, sự tuân thủ áp dụng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu triệt để.
Nhấn mạnh sự cần thiết, tầm quan trọng của việc quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, làm rõ thêm thực trạng và kiến nghị các giải pháp hữu hiệu đáp ứng đòi hỏi bảo đảm tuân thủ nghiêm các yêu cầu có tính nguyên tắc trong việc thiết kế các quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp trong các văn bản Luật./.