KHÔI PHỤC CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC VÀ CÁC GIÁ TRỊ SINH THÁI TỰ NHIÊN, VĂN HÓA, LỊCH SỬ GẮN LIỀN VỚI NGUỒN NƯỚC

31/07/2023

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo Luật bổ sung thêm một điều khoản về phục hồi nguồn nước ô nhiễm, theo đó phục hồi nguồn nước nhằm khôi phục chức năng nguồn nước và các giá trị sinh thái tự nhiên, giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền với nguồn nước.

SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐỂ KỊP THỜI KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM DO NƯỚC THẢI SINH HOẠT, CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến. Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, áp lực phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm nguồn nước gia tăng là một trong 9 thách thức về an ninh nguồn nước của Việt Nam (Theo Đề án bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, Bộ TNMT, 2021). Cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, gia tăng các hoạt động xả nước thải nhất là các loại hình nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật,… đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước trong những năm gần đây, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt. Hầu hết các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, các làng nghề đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường, đã làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô. Ngân hàng Thế giới đánh giá ô nhiễm chất lượng nước có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm, nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP của Việt Nam sẽ giảm 2,5% vào năm 2035, nếu giải quyết triệt để thì GDP sẽ tăng 2,3%.

Trong khi đó, Luật tài nguyên nước 2012 tuy đã có một số quy định liên quan đến phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt (Điều 27); dòng chảy tối thiểu (Điều 3, 13, 53) nhưng các quy định còn phân tán và chưa thực sự rõ ràng; các nội dung quy định về bảo vệ hệ sinh thái thuỷ sinh, đa dạng sinh học hầu như vắng bóng. Một số quy định cụ thể có liên quan như dòng chảy tối thiểu (đối với sông), ngưỡng giới hạn khai thác (đối với nước dưới đất) đã được ban hành trong văn bản dưới luật nhưng cơ bản ở cấp thông tư nên tính hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế.

Thực tế cho thấy rằng việc quản lý tài nguyên nước phải lấy bảo vệ, phòng ngừa là chính, vì nguồn nước một khi đã bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước. Quá trình phục hồi nguồn nước cũng sẽ đòi hỏi thời gian, chi phí lớn cùng nhiều nguồn lực khác. Do đó, các vấn đề phục hồi nguồn nước và bảo vệ nguồn nước gắn liền với các giá trị tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học phải được quan tâm, chú trọng hơn trong Luật tài nguyên nước sửa đổi.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung vào Mục bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể là nội dung về Chức năng nguồn nước, theo đó Chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để xem xét việc điều hoà phân phối tài nguyên nước; lựa chọn các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật. Rà soát, bổ sung nội dung về dòng chảy tối thiểu là một trong các căn cứ xây dựng Phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Đối với nước dưới đất, bổ sung thêm quy định về ngưỡng khai thác nước dưới đất là một trong những căn cứ để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt các nhiệm vụ về Phương án điều hòa, phân phối nguồn nước; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm đối với nguồn nước dưới đất.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung thêm một điều khoản về phục hồi nguồn nước ô nhiễm, theo đó Phục hồi nguồn nước nhằm khôi phục chức năng nguồn nước và các giá trị sinh thái tự nhiên, giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền với nguồn nước. Việc phục hồi nguồn nước thông qua điều chỉnh chế độ vận hành, bổ sung, nâng cấp các công trình điều tiết, khai thác để cải thiện khả năng lưu thông dòng chảy, số lượng, chất lượng của nguồn nước, khả năng bổ cập nước dưới đất; giảm thiểu mức độ ô nhiễm; khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền nguồn nước.  Đồng thời, Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường hoặc nguồn vốn xã hội hoá. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Minh Hùng