THỐNG NHẤT QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG ĐẤT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN KHÔNG, CÔNG TRÌNH NGẦM

31/07/2023

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát, nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất các quy định của pháp luật về chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm.

QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phát biểu ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, quan tâm tới chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, theo Luật Đất đai năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 175, người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất. Theo Luật Đất đai năm 2013, phạm vi sử dụng không gian của người sử dụng đất là rất rộng, có toàn quyền khai thác, sử dụng khoảng không gian bên trên và trong lòng đất và chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp. Như vậy, trên một thửa đất, ở cùng một thời điểm chỉ có một chủ thể khai thác, sử dụng, dẫn đến bất cập trong việc tận dụng tối đa nguồn lực về đất đai.

Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác (Điều 267); về căn cứ xác lập, quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật theo thỏa thuận hoặc theo di chúc (Điều 268); về nội dung, chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác và có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập (Điều 271).

Đại biểu Thạch Phước Bình tham gia phát biểu

Tuy nhiên, Luật Đất đai vẫn chưa trực tiếp sử dụng cụm từ "quyền bề mặt" nên chưa thực sự đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, việc cụ thể hóa quyền bề mặt trong dự thảo Luật Đất đai còn giúp giải quyết những bất cập khác, chẳng hạn như về đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản. Điểm đ khoản 2 Điều 199 dự thảo Luật Đất đai quy định "trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp mặt đất hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không phải thuê mặt đất", dự thảo Luật Đất đai chưa quy định rõ nếu không thuê đất mặt thì có phải thuê đất ở tầng ngầm hay không?

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa đất có mặt nước là ao, hồ, đầm được giao để nuôi thủy sản tại Điều 188 và đất sông, ngòi, kênh rạch, suối và mặt nước chuyên dùng cũng được giao để nuôi trồng thủy sản tại Điều 209, cũng như là các dạng tích tụ nước mà theo khái niệm về nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước bao gồm là sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm phá.

Theo đại biểu, luật chỉ nên điều chỉnh theo dạng tích tụ nước, không nên điều chỉnh theo mục đích sử dụng nước, bởi vì ở đâu có nước thì ở đó có thể nuôi thủy sản và không chỉ có ao, hồ, đầm mới được nuôi thủy sản. Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản cũng có thể sử dụng đất có mặt nước cho các mục đích khác. Đồng thời, đại biểu đề nghị ghi rõ việc san lấp hoặc đào hồ, đầm phải được phép của cơ quan có thẩm quyền về tài nguyên nước để dễ áp dụng và để thống nhất với Luật Tài nguyên nước.

Đối với đất rừng, các quy định tại các điều từ Điều 184 đến Điều 186 đã tương thích với pháp luật về lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước của các hồ thủy điện cũng cần được nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng phù hợp để trồng rừng phòng hộ, nhằm mục đích bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy, hạn chế xói lở, bảo vệ các cột mốc chỉ giới, hành lang bảo vệ nguồn nước do chính các công ty thủy điện quản lý.

Trong thực tế hiện nay, các công ty thủy điện được nhà nước giao đất, cho thuê đất vẫn phải bồi thường diện tích đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước, nhưng không được sử dụng mà phải giao lại cho địa phương và địa phương lại giao cho các hộ dân canh tác nông nghiệp trồng rừng. Nhưng việc trồng rừng thì thiếu đồng bộ, không đảm bảo mục tiêu phòng hộ đầu nguồn hoặc bị bỏ hoang hóa đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước ở những vị trí xung yếu, hiểm trở, dẫn đến nguy cơ sạt lở, đe dọa an toàn công trình, mất mát các mốc chỉ giới, do đó đại biểu đề nghị cần xem xét các trường hợp đặc thù này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ khoản 2 Điều 186 quy định "Ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương lập dự án di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng". Với lý do quy định này mong muốn giải quyết một tình huống cụ thể đã tồn tại từ lâu về dân di cư đang sống trong phân khu nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, nhưng nếu quy định như vậy sẽ không giải quyết dứt điểm tình trạng này mà còn khuyến khích tình trạng vi phạm và đi ngược lại Chỉ thị 13 của Ban Bí thư là không nên luật hóa một hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, thay vì đưa vào luật thì nên có giải pháp riêng để giải quyết và hiện nay thì sơ kết Chỉ thị 13 cũng đã có đề xuất giải pháp riêng cho tình trạng này.

Đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, Điều 203, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm thuê đất mặt tại cuối điểm d khoản 2 Điều 203. Quy định này chưa được đề cập trong luật, chưa rõ là thuê đất mặt trong trường hợp nào, hình thức cho thuê và độ sâu của lớp đất mặt.

Đồng thời, khoản 5 quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, bố trí quỹ đất, giao đất để lực lượng công an nhân dân bảo đảm an toàn, trật tự đối với khu vực hoạt động khoáng sản khi có yêu cầu". Đề nghị làm rõ nguồn gốc đất thuộc dự án hay không thuộc dự án, có phải đất quốc phòng, an ninh hay không và cần làm rõ việc hoàn lại đất khi dự án kết thúc hoặc khi tình hình an ninh, trật tự không còn phức tạp, ai sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện về nhân sự và chế độ cho lực lượng này đối với việc bảo vệ an ninh, trật tự cho một công trình, dự án cụ thể.

Đại biểu cho biết, qua thực tiễn giám sát các dự án khai thác khoáng sản cho thấy còn nhiều bất cập trong việc thuê đất và hoàn lại từng phần đất sau thuê theo tiến độ khai thác khoáng sản. Mặc dù quy định này đã được quy định trong Luật Đất đai 2013 nhưng tính khả thi không cao do chưa có những quy định cụ thể về trình thủ tục và quy định quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi hoàn lại đất đã thuê, dẫn đến nhà đầu tư không muốn hoàn lại, không thể hoàn lại hoặc không được hoàn lại đất theo tiến độ khai thác cho địa phương, trong khi địa phương thì rất cần quỹ đất để phát triển kinh tế.

Hồ Hương