QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với quy định về xử lý nợ xấu, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 42, phạm vi điều chỉnh khoản nợ xấu chỉ bao gồm: khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017 hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Như vậy, trường hợp các khoản nợ được hình thành từ sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu sau thời gian này sẽ không được áp dụng các quy định của Nghị quyết số 42 để xử lý.
Trong khi đó, nợ xấu phát sinh là một tất yếu, luôn gắn liền với hoạt động cho vay của các ngân hàng khi khách hàng không có khả năng trả nợ theo đúng cam kết, việc không thể trả nợ theo đúng cam kết, bên cạnh yếu tố chủ quan là ý thức trả nợ của khách hàng, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng thì chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, tình hình kinh tế xã hội, rủi ro trong hoạt động kinh doanh…
Quang cảnh phiên họp
Đặc biệt, trong thời gian qua do tác động của dịch bệnh Covid 19, tình hình chiến sự Nga- Ukraina, sự biến động của nền kinh tế thế giới...nhiều doanh nghiệp đã phá sản, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, mặc dù NHNN đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi nhưng nợ xấu chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian tới. Do đó, nếu không tiếp tục áp dụng các quy định về xử lý nợ xấu cho các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2017 sẽ dẫn đến một khoảng trống về mặt pháp lý, nợ xấu cũ tồn đọng và nợ xấu mới gia tăng sẽ dẫn đến những hệ lụy như giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42.
Quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm tại Điều 5 Nghị quyết số 42 đã phát huy được tính hiệu quả trên thực tế. Do đó, việc luật hóa quy định này trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết số 42 là cần thiết để phát huy hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu của các TCTD.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Quy định tại Điều 6 Nghị quyết 42 đã tạo cơ chế hiệu quả cho việc mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, qua 10 năm hoạt động, VAMC đã phát huy được vai trò của mình, góp phần trong việc giải quyết nợ xấu, giúp các TCTD chuyển một lượng nợ xấu lớn ra khỏi bảng cân đối kế toán, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Đồng thời với hoạt động mua bán nợ theo cơ chế thị trường, VAMC giúp các TCTD xử lý nhanh nợ xấu, có thêm dòng tiền quay vòng vốn cho hoạt động tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, đối tượng VAMC được mua nợ xấu chỉ là các TCTD trong nước (loại trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài).
Tuy nhiên, trên cơ sở hoạt động hiệu quả của VAMC, nhằm góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, toàn diện, việc mua nợ xấu của VAMC không chỉ đối với các TCTD trong nước mà cần mở rộng đối với cả các TCTD liên doanh và TCTD nước ngoài. Đồng thời, hiện nay, khi thị trường mua bán nợ đã phát triển, việc mua bán nợ theo giá thị trường là tự nguyện theo thỏa thuận giữa các bên. Thỏa thuận phân chia giá trị còn lại (nếu có) cũng là một trong các yếu tố quyết định giá mua bán. Việc định giá là do các bên tự đánh giá quyết định và đi đến thống nhất. Do đó không cần thiết quy định VAMC và các TCTD phải thỏa thuận về việc lựa chọn tổ chức định giá độc lập.
Quy định về không kê biên tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên thi hành án tại Điều 11 Nghị quyết số 42 đã được áp dụng một cách hiệu quả trên thực tế. Quy định này đã đảm bảo việc không làm xáo trộn tới hoạt động cấp vốn, sử dụng vốn giữa TCTD và khách hàng, qua đó không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách hàng. Do đó, việc luật hóa quy định này trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết số 42 là cần thiết để phát huy hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu của các TCTD.
Quy định về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng cho bên nhận bảo đảm tại Điều 14 Nghị quyết số 42 đã được triển khai một cách có hiệu quả trên thực tế, đảm bảo quyền của TCTD đối với tài sản bảo đảm sau khi cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích và lượng hóa các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể về việc như thế nào được coi là “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”. Do đó, việc cơ quan tiến hành tố tụng có hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự hay không, hoàn trả vào thời gian nào còn phụ thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận và đánh giá của từng cơ quan tố tụng, dẫn đến ngân hàng rất chậm nhận được tài sản/nhận được quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn để xử lý, thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu.
Ngoài ra, Điều 14 Nghị quyết số 42 mới chỉ quy định về việc hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự cho các TCTD mà chưa quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của các vụ việc hành chính cho các TCTD. Luật xử lý vi phạm hành chính (Điều 126) mới chỉ quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản cho bên nhận thế chấp là TCTD. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc tài sản bảo đảm là phương tiện vận tải bị cơ quan công an tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính hoặc do vi phạm luật giao thông đường bộ. Sau khi hết thời hạn tạm giữ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trả lại tài sản là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính cho chủ tài sản là bên bảo đảm. Như vậy việc xử lý tài sản bảo đảm là tang vật bị tạm giữ trong vụ việc vi phạm hành chính nêu trên đã dẫn đến việc TCTD không còn tài sản bảo đảm, gây thiệt hại cho TCTD.