ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Dự kiến dự án luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Về các trường hợp chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực thi hành, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thi hành Luật mà một trong những nguyên nhân là một số quy định của Luật Đất đai không đảm bảo tính khả thi, chưa giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật có liên quan với Luật Đất đai. Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản lấy ý kiến Nhân dân đã bổ sung các quy định cụ thể để thể chế các chính sách mới tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi được ban hành và có hiệu lực sẽ xảy ra một số trường hợp đang triển khai thực hiện theo Luật hiện hành khác biệt so với quy định của dự thảo Luật như: về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; về tài chính đất đai, giá đất; về thời hạn sử dụng đất; về quyền sử dụng đất của hộ gia đình…
Tổng hợp ý kiến Nhân dân góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy cần tiếp tục quy định cụ thể hơn trong Luật về những trường hợp chuyển tiếp so với nội dung đổi mới trong dự thảo Luật để khắc phục hạn chế trong Luật hiện hành như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chế độ sử dụng đất.
Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đề nghị rà soát bổ sung đánh giá tác động các trường hợp chuyển tiếp đối với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, về xử lý đối với các dự án đấu thầu, các dự án thương mại, dịch vụ có sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất.
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, mục tiêu giải quyết vấn đề là nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực thi luật; tạo sự rõ ràng, nhất quán và thuận tiện trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất và ổn định xã hội do thay đổi chính sách.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng cần bổ sung quy định cho các trường hợp chuyển tiếp cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở so sánh sự thay đổi so với Luật Đất đai hiện hành trong các tất cả các nội dung quản lý, sử dụng đất, gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; quyền sử dụng đất của hộ gia đình; đất nông, lâm trường; đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp hoạt động sản xuất kinh tế; cụm công nghiệp; đất khu kinh tế; sử dụng đất thực hiện dự án lấn biển; công trình ngầm; cảng hàng không, sân bay dân dụng; đất tôn giáo khi Luật này có hiệu lực thi hành và tách thành các điều trong mục riêng thuộc Chương XVI.
Đánh giá tác động của giải pháp này, đại diện cơ quan soạn thảo nêu rõ, giải pháp sẽ giúp khơi thông nguồn lực, duy trì tính liên tục của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục triển khai hoạt động mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng trống pháp lý, qua đó đảm bảo các nguồn thu ngân sách của Nhà nước từ các trường hợp sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành; không làm tăng các khoản chi của Nhà nước trong việc quản lý đất đai.
Các trường hợp chuyển tiếp đối với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch nhằm tiết kiệm chi ngân sách, tiết kiệm thời gian, công sức cho việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật này. Đồng thời, vẫn đảm bảo căn cứ cho việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp chuyển tiếp xử lý đối với các dự án đấu thầu, các dự án thương mại, dịch vụ có sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất theo đúng quy định mà Nhà nước chưa thực hiện thủ tục gia hạn trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện nhằm đảm bảo ổn định sử dụng đất cho nhà đầu tư, không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Đối với người sử dụng đất, giải pháp này góp phần bảo đảm quyền của người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất; không bị rủi ro khi áp dụng các quy định mới, từ đó sẽ giảm các chi phí không cần thiết cho người sử dụng đất khi tiếp cận đất đai, thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai.
Các trường hợp chuyển tiếp đối với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch sẽ đảm bảo quỹ đất đã hoặc đang thực hiện các bước chuẩn bị cho dự án đầu tư mà không phải dừng lại chờ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật này mới triển khai.
Các trường hợp chuyển tiếp xử lý đối với các dự án đấu thầu, các dự án thương mại, dịch vụ có sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất theo hướng đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất: Đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất mà đã hết hạn thời hạn sử dụng đất nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất thì được xem xét gia hạn theo quy định của Luật này.
Về tác động xã hội, giải pháp này đảm bảo sự rõ ràng hơn về nguyên tắc áp dụng pháp luật; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuận và khó khăn, vướng mắc quá trình tổ chức thi hành; đảm bảo sự nhất quán và thuận tiện trong quá trình thực hiện; tạo sự rõ ràng, thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình tiếp cận đất đai và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp bổ sung quy định cho các trường hợp chuyển tiếp cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở so sánh sự thay đổi so với Luật Đất đai hiện hành trong các tất cả các nội dung quản lý, sử dụng đất. Đồng thời sẽ quy định cụ thể về trách nhiệm, trình tự, thủ tục thực hiện các trường hợp chuyển tiếp trong Nghị định của Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng đất trong quá trình tổ chức thực hiện.